Dự thảo Nghị định về danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Tải dự thảo
Lưu
Báo lỗi
  • Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17
Ghi chú

thuộc tính Nghị định

Dự thảo Nghị định quy định về danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công
Lĩnh vực: Lao động-Tiền lương Loại dự thảo:Nghị định
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiTrạng thái:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công theo quy định tại Điều 209 của Bộ luật Lao động.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Trạng thái: Đã biết
Ghi chú

CHÍNH PHỦ
---------
Số:          /2020/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

DỰ THẢO

Hà Nội, ngày     tháng     năm 2019

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về danh mục nơi sử dụng lao động
không được đình công và giải quyết tranh chấp lao động
tại nơi sử dụng lao động không được đình công

--------------------------------

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 20 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công theo quy định tại Điều 209 của Bộ luật Lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều 3 của Bộ luật Lao động tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc bộ phận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi là doanh nghiệp) hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau đây mà đình công xảy ra có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người, bao gồm:

a) Sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia;

b) Thăm dò, khai thác, sản xuất, cung cấp dầu khí;

c) Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải;

d) Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; cung cấp dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan nhà nước;

đ) Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường trực tiếp phục vụ cho các thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công theo quy định tại Nghị định này.

Điều 3. Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công

Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công.

Điều 4. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền tại nơi sử dụng lao động không được đình công

1. Tranh chấp lao động cá nhân được giải quyết theo quy định tại Điều 187, 188, 189, 190 của Bộ luật Lao động.

2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền được giải quyết theo quy định tại Điều 191, 192, 193, 194 của Bộ luật Lao động.

Điều 5. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công

1. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của hòa giải viên lao động.

a) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của hòa giải viên lao động được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 196 của Bộ luật Lao động.

b) Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật Lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính giải quyết.

3. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động.

a) Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 197 của Bộ luật Lao động.

b) Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 197 Bộ luật Lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 197 Bộ luật Lao động mà Ban trọng tài không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong hai bên không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì một trong các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính giải quyết vụ việc tranh chấp.

Trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, các bên không được đồng thời đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

4. Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

a) Khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham vấn, đề xuất giải quyết tranh chấp.

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công tiến hành giải quyết tranh chấp lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với liên đoàn lao động cấp tỉnh, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp và cơ quan có liên quan tìm hiểu vụ việc, hướng dẫn các bên tranh chấp tiến hành thương lượng giải quyết vụ việc tranh chấp. Trường hợp các bên đạt được thỏa thuận thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập Biên bản có chữ ký của đại diện các bên tranh chấp và có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo kết quả giải quyết tranh chấp lao động.

Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc giải quyết tranh chấp lao động quy định tại điểm b nêu trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với liên đoàn lao động cấp tỉnh, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp đóng trên địa bàn và cơ quan có liên quan xây dựng phương án giải quyết tranh chấp lao động báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án giải quyết tranh chấp lao động do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì cuộc họp mời các bên tranh chấp, đại diện liên đoàn lao động cấp tỉnh, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến về Phương án giải quyết tranh chấp và quyết định giải quyết tranh chấp lao động.

Điều 6. Giải quyết tranh chấp về quyền thương lượng tập thể giữa các tổ chức đại diện người lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công

Tranh chấp giữa các bên liên quan về quyền thương lượng tập thể giữa các tổ chức đại diện người lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công, được thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Khoản 4 Điều 68 của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền thương lượng tập thể.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

2. Nghị định số 41/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 05 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều 220 của Bộ luật Lao động (năm 2012) về danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp thuộc Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: VT, KGVX (2). XH

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG


 



Nguyễn Xuân Phúc

Văn bản này có file đính kèm, tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung
Ghi chú

văn bản tiếng việt

văn bản TIẾNG ANH

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

×
×
×
Vui lòng đợi