BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- Số: 4251/LĐTBXH-TTr V/v:Hướng dẫn công tác thanh tra năm 2015 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2014 |
Kính gửi: | - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Tổng cục dạy nghề; - Cục Quản lý lao động ngoài nước. |
Trên cơ sở Kế hoạch thanh tra năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, định hướng Chương trình công tác thanh tra năm 2015, Công văn số 2546/TTCP-KHTCTH ngày 21/10/2014 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác thanh tra năm 2015 của ngành như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Hoàn thành tốt các công việc theo kế hoạch và đột xuất đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (28/8) và 70 năm thành lập ngành thanh tra Việt Nam (23/11); hoạt động thanh tra của đơn vị vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, vừa tập trung vào các nội dung, lĩnh vực phát sinh nhiều phản ánh, tiêu cực.
2. Đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật thanh tra, pháp luật xử lý vi phạm hành chính, các quy định của pháp luật chuyên ngành trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra nhằm tăng cường pháp chế; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
3. Thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng kiểm tra việc thực hiện kiến nghị tại các đơn vị đã được thanh tra còn sai phạm và những đơn vị đã được Thanh tra Bộ ủy quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị. Xử lý nghiêm các đối tượng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử phạt, thu hồi.
4. Chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng chống tham nhũng nhằm hạn chế khiếu nại, tố cáo kéo dài. Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đặc biệt các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều người, nhiều lĩnh vực nhằm phục vụ Đại hội Đảng các cấp; đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.
5. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, vướng mắc; kiến nghị xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC
Trên cơ sở Kế hoạch thanh tra năm 2015 của Bộ và chỉ đạo của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Sở), Tổng cục Dạy nghề và Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở, của đơn vị theo các nội dung cụ thể như sau:
1.1. Thanh tra hành chính
Thực hiện công tác thanh tra hành chính, phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan, đơn vị trực thuộc quyền quản lý của Sở, trong đó tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu; công tác đầu tư xây dựng cơ bản.
1.2. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành
a) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động
- Thanh tra chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động trước, trong và sau tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
- Tiếp tục triển khai thực hiện việc phát, thu hồi, phân tích và xử lý Phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may, chế biến thủy sản. Triển khai thanh tra tại doanh nghiệp không báo cáo kết quả tự kiểm tra theo Phiếu tự kiểm tra hoặc những doanh nghiệp có nhiều vi phạm sau khi xử lý Phiếu tự kiểm tra.
- Điều tra tai nạn lao động theo quy định và báo cáo ngay về Bộ các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng để Bộ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ớ nước ngoài theo hợp đồng. Kịp thời ngăn chặn và xử lý các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc doanh nghiệp có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; theo dõi và nắm bắt tình hình lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên địa bàn.
c) Thanh tra việc thực hiện chính sách người có công
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xác lập hồ sơ thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; ưu tiên thanh tra, kiểm tra tại những địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh.
d) Thanh tra việc thực hiện chính sách đối với trẻ em
Chú trọng thanh tra việc thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo hành; quản lý và thống kê được số lượng trẻ em làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn để theo dõi việc sử dụng và bảo đảm quyền lợi của trẻ em tại các doanh nghiệp này.
đ) Thanh tra về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Tiếp tục thực hiện thanh tra theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
e) Thanh tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội; lựa chọn những vấn đề cần thiết trong các nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội: bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp để xây dựng kế hoạch thanh tra.
f) Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
Tiếp tục triển khai các cuộc thanh tra pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với các cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khác của ngành.
g) Các lĩnh vực khác
Lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội,... lựa chọn những vấn đề nổi cộm tại địa phương để xây dựng kế hoạch thanh tra.
- Nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu giải quyết được trên 95% các vụ việc mới phát sinh; tổ chức thực hiện được trên 90% quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này.
- Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ.
- Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai, dân chủ trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3. Công tác xây dựng lực lượng
Trên cơ sở Đề án "Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai Đề án (nếu chưa được tỉnh phê duyệt); tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án (nếu đã được tỉnh phê duyệt) nhằm tăng cường số lượng, chất lượng thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở; đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác thanh tra.
4. Công tác thông tin, báo cáo
Chú trọng thực hiện công tác thông tin, báo cáo và đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn (báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về công tác thanh tra theo đúng quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ); nội dung báo cáo, thông tin theo quy định và có chất lượng tốt.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Kế hoạch thanh tra năm 2015 của Bộ, yêu cầu công tác quản lý của Sở và tình hình thực tế để quyết định kế hoạch công tác của Thanh tra Sở và báo cáo kế hoạch thanh tra, kiểm tra với Bộ (qua Thanh tra Bộ).
2. Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước căn cứ vào Kế hoạch thanh tra năm 2015 của Bộ để tổ chức thực hiện.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng (để b/c); - Các đồng chí Thứ trưởng (để biết); - Thanh tra Chính phủ; - Vụ TCCB, Vụ III (TTCP); - Lưu: VT, TTr. | KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thanh Hòa |