Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Công văn 02/BC-LĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/06/2008 của Ban Bí thư và Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18/08/2008 của Thủ tướng Chính phủ
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- Tiếng Anh
- Hiệu lực
- VB liên quan
- Lược đồ
- Nội dung MIX
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
- Tải về
Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.
- Báo lỗi
- Gửi liên kết tới Email
- In tài liệu
- Chia sẻ:
- Chế độ xem: Sáng | Tối
- Thay đổi cỡ chữ:17
- Chú thích màu chỉ dẫn
thuộc tính Công văn 02/BC-LĐTBXH
Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội | Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 02/BC-LĐTBXH | Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công văn | Người ký: | Phạm Minh Huân |
Ngày ban hành: | 11/01/2010 | Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! | |
Lĩnh vực: | Lao động-Tiền lương |
tải Công văn 02/BC-LĐTBXH
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/BC-LĐTBXH | Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2010 |
BÁO CÁO
Kết quả triển khai thực hiện chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Ban bí thư và quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2008 của thủ tướng Chính phủ
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 22-CT/TW) và Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW nêu trên (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1129/QĐ-TTg), tổng hợp kết quả của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban cán sự Đảng Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW và Quyết định số 1129/QĐ-TTg tại thành phố Hồ Chí Minh các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư gắn với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tới tận tổ chức cơ sở đảng; Ban Cán sự đảng các Bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy đã chỉ đạo chính quyền cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Đối với các Bộ, ngành ở Trung ương đều xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (sau đây viết tắt là VCCI). Đối với các địa phương, hầu hết các tỉnh có nhiều doanh nghiệp, tỉnh ủy, thành ủy đều có chương trình hành động, thông tri, hoặc chỉ thị để chỉ đạo triển khai; Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm cho các sở, ngành ở địa phương thực hiện như các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc … Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được báo cáo của 5 Bộ, ngành ở Trung ương và 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả sau 1 năm triển khai thực hiện, qua báo cáo và kết quả kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW và Quyết định số 1129/QĐ-TTg cho thấy các Bộ, ngành và địa phương triển khai nghiêm túc, xây dựng kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện.
Thông qua quán triệt Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư và triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp và người lao động đã có sự chuyển biến, thấy rõ ý nghĩa, cũng như sự cần thiết của công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tạo sự thống nhất của cả hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai thực hiện, coi đây là nhiệm vụ vừa có tính chất cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài của hệ thống chính trị; đồng thời, cấp ủy đảng, UBND các cấp đã tiến hành xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai xuống tận cơ sở, phân công trách nhiệm cho các đơn vị phụ trách, theo dõi, chỉ đạo các doanh nghiệp; gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW và Quyết định số 1129/QĐ-TTg với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
II. KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 22-CT/TW VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 1129/QĐ-TTG
1. Công tác quản lý nhà nước về lao động, về hoạt động đầu tư được tăng cường một bước
a) Hệ thống pháp luật lao động tiếp tục được hoàn thiện
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động cho phù hợp với tình hình thực tế; tổng kết 14 năm thực hiện Bộ luật Lao động làm căn cứ nghiên cứu để sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Lao động trình Quốc hội vào năm 2010; tham gia cùng Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội xây dựng Đề án nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động và cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, chủ doanh nghiệp, công đoàn để giải quyết vấn đề tranh chấp lao động, vấn đề bảo hiểm xã hội và vấn đề tiền lương tối thiểu, trình xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội và trình Bộ Chính trị; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động; hướng dẫn thực hiện phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao (sau đây gọi tắt là KCN, KCX, KKT, KCNC); hướng dẫn thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội;
- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiến hành tổng kết 19 năm thực hiện Luật Công đoàn, trên cơ sở đó nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Công đoàn trình Quốc hội năm 2010 cùng với sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
b) Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh
Thực hiện Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012, Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai khảo sát tình hình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tại gần 100 doanh nghiệp; cùng với Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lập kế hoạch triển khai Đề án, tổ chức hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai; tổ chức tập huấn cho cán bộ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động, hòa giải viên lao động cấp huyện thuộc các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam và phía Bắc; in và phát hành tài liệu tuyên truyền gốc cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, phát hành tờ rơi tuyên truyền về hợp đồng lao động và các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố phối hợp với tổ chức công đoàn các cấp xây dựng chương trình, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn dưới nhiều hình thức như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tư vấn pháp luật, phát hành sổ tay công nhân, phát tờ rơi, áp phích, panô về pháp luật lao động…); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2009, tổ chức tập huấn cho 4.790 đối tượng là chủ doanh nghiệp trên địa bàn về chính sách pháp luật lao động; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cho 2.155 lượt người là chủ doanh nghiệp và cán bộ làm công tác lao động, tiền lương trong doanh nghiệp; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thường xuyên cập nhật các chính sách mới liên quan đến pháp luật lao động cho các chủ doanh nghiệp, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương mở chuyên mục pháp luật lao động trên sóng phát thanh và truyền hình của tỉnh;
- Công đoàn các cấp đã trực tiếp tuyên truyền về pháp luật lao động, Luật Công đoàn với trên 114.000 cuộc cho gần 1,9 triệu lượt công nhân viên chức lao động; biên soạn và phát hành trên 500.000 ấn phẩm tuyên truyền pháp luật lao động theo từng chủ đề;
- VCCI tổ chức 20 khóa tập huấn về chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực đại diện cho người sử dụng lao động trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp cho các tỉnh, thành phố như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Cần Thơ, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Nội; thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật lao động trên các trang thông tin điện tử của VCCI để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được; thực hiện các chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý nhân sự và đào tạo các chuyền trưởng cho các doanh nghiệp dệt may.
c) Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động được tăng cường
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh tra lao động, đề nghị Bộ Nội vụ xem xét tăng biên chế thanh tra cho một số tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp; năm 2009 bố trí tăng thêm 10 biên chế cho thanh tra Bộ; thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm 20 biên chế; tỉnh Đồng Nai tăng 7 người; Bình Dương tăng 7 người; tỉnh Vĩnh Phúc tăng 2 người;
- Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: năm 2008 đã thực hiện thanh tra tại 336 doanh nghiệp, đưa ra 3.318 kiến nghị, 55 quyết định xử phạt hành vi vi phạm pháp luật lao động; năm 2009, thực hiện thanh tra tại 460 doanh nghiệp, đưa ra 3.766 kiến nghị đối với các doanh nghiệp, 46 quyết định xử phạt hành vi vi phạm pháp luật lao động;
- Thanh tra lao động các tỉnh, thành phố: năm 2008 đã tiến hành thanh tra tại 3.624 doanh nghiệp đưa ra 12.016 kiến nghị đối với doanh nghiệp, trong đó có 674 doanh nghiệp bị xử phạt; năm 2009 thực hiện thanh tra trực tiếp tại 1.378 doanh nghiệp, đưa ra 8.576 kiến nghị và 290 quyết định xử phạt hành vi vi phạm pháp luật; thanh tra theo Phiếu tự kiểm tra là 18.701 phiếu (tăng 5.102 phiếu so với năm 2008), đưa ra 646 quyết định xử phạt hành vi vi phạm pháp luật.
Qua thanh tra và điều tra, khảo sát cho thấy, việc chấp hành pháp luật lao động trong doanh nghiệp đã có bước chuyển biến như 91,6% lao động ký hợp đồng lao động, trong đó ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là 55,4%; trên 50% doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể, đã có 65% doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương…
d) Các biện pháp quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư được tăng cường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; đẩy mạnh việc phân cấp cấp phép đầu tư cho các địa phương, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư; nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích các dự án sử dụng nhiều lao động đầu tư vào các vùng nông thôn, miền núi thông qua Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2008 – 2009.
UBND các tỉnh, thành phố củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý điều hành của các Ban Quản lý các KCN, KCX, nhằm giải quyết và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
2. Các thiết chế hỗ trợ đối thoại, tham vấn được củng cố
- Ủy ban Quan hệ lao động được thành lập bước đầu thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Nhà nước với đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) trong việc tư vấn cho Chính phủ xây dựng ban hành các chính sách pháp luật lao động. Trong năm 2009, Ủy ban Quan hệ lao động đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp FDI) tại Việt Nam nhằm cung cấp thông tin, tăng cường hiểu biết pháp luật cho các nhà đầu tư nước ngoài; giải quyết kịp thời những kiến nghị của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện pháp luật lao động. Ủy ban Quan hệ lao động đã trình Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập Ủy ban Quan hệ lao động tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng;
- Thực hiện Chương trình sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức 2 cuộc hội thảo với hơn 500 doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ trong doanh nghiệp; tổ chức 2 cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại KCN Thăng Long và KCN Nomura Hải Phòng nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ trong doanh nghiệp; tổ chức 3 cuộc lấy ý kiến với các nhà đầu tư tại ba miền về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu; phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May đang xúc tiến quá trình thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-ĐCT ngày 18 tháng 6 năm 2009 về đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, trong đó đề ra mục tiêu đến 2015 đạt: 70% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và ký kết thỏa ước tập thể; 2 công đoàn ngành Trung ương và 4 công đoàn ngành địa phương ký thỏa ước tập thể ngành;
- Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hỗ trợ, xúc tiến quá trình đàm phán, đối thoại thương lượng trong các doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động lành mạnh.
3. Thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện người sử dụng lao động được triển khai ở nhiều địa phương
- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Chương trình phát triển đoàn viên công đoàn, đồng thời ban hành quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở. Bước đầu, công đoàn các cấp đã đăng ký phát triển 1,87 triệu đoàn viên và 13.691 tổ chức công đoàn cơ sở. Năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 đã kết nạp được 797.150 đoàn viên, thành lập mới 6.392 công đoàn cơ sở, trong đó có 316 tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp FDI và 1.139 tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn; quy định về chế độ phụ cấp kiêm nghiệm đối với cán bộ công đoàn cơ sở, đồng thời thành lập Quỹ hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở; phát hành 20.000 cuốn Điều lệ Công đoàn, 9.000 cuốn tài liệu về nghiệp vụ công tác công đoàn để hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở; Liên đoàn Lao động nhiều địa phương đã có chương trình kế hoạch cụ thể để vận động, thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp;
- VCCI đã xây dựng kế hoạch và triển khai việc củng cố và hoàn thiện tổ chức đại diện người sử dụng lao động cấp tỉnh, tiến hành thành lập Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ở 19 tỉnh, thành phố; phối hợp với các Bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp tỉnh.
4. Trình độ chuyên môn của người lao động được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được quan tâm cải thiện
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động kỹ thuật, lao động chất lượng cao cho nền kinh tế; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng chiến lược đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề cho công nhân. Năm 2009, số học sinh được tuyển sinh học nghề là 1,6 triệu người, tăng 6,6% so với năm 2008, trong đó cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 18,2% so với năm 2008, có 102 trường cao đẳng nghề, tăng 10% và 265 trường trung cấp nghề, tăng 8,65% so với năm 2008;
- Tiếp tục thực hiện lộ trình thống nhất một mức lương tối thiểu cho các loại hình doanh nghiệp, năm 2009 điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước tăng bình quân 18%, đối với doanh nghiệp FDI tăng bình quân 15%, năm 2010 đối với doanh nghiệp trong nước tăng bình quân 15% đối với doanh nghiệp FDI tăng bình quân 10%;
- Qua báo cáo, khảo sát, điều tra cho thấy, tiền lương bình quân của người lao động năm 2009 trong các doanh nghiệp đạt được 2.840.000 đồng/tháng, tăng 10% so với năm 2008, trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 3.350.000 đồng/tháng, tăng 7%; doanh nghiệp FDI đạt 2.650.000 đồng/tháng, tăng 9,8%; doanh nghiệp dân doanh đạt 2.050.000 đồng/tháng, tăng 10,8% so với năm 2008. Một số địa phương có những hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống của người lao động, như: thành phố Hồ Chí Minh thành lập quỹ hỗ trợ công nhân, hỗ trợ công nhân nghèo tiền tàu xe về tết, tỉnh Đồng Nai thực hiện hỗ trợ tiền điện, nước theo giá sinh hoạt cho công nhân ở các nhà trọ; Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã vận động được hơn 117 triệu đồng…; Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trích 1 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ xây dựng Quỹ vì công nhân lao động nghèo; tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày hội văn hóa của công nhân lao động, một số địa phương đã tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ ở các KCN có đông người lao động;
- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2009 về một số cơ chế và chính sách nhằm đẩy mạnh và phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 66/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2009 về cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN; Bộ Xây dựng ban hành các Thông tư hướng dẫn chính sách đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong các KCN tập trung; một số địa phương đã triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN, như: thành phố Hồ Chí Minh tính đến tháng 7 năm 2009 đã xây dựng được 430.790 chỗ ở cho công nhân lao động; thành phố Hà Nội đã xây dựng và đáp ứng được 16.000 chỗ ở cho công nhân lao động tại KCN Bắc Thăng Long – Nội Bài; tỉnh Đồng Nai đang triển khai dự án trên diện tích 8,1 ha để xây dựng nhà ở cho công nhân tại KCN Trảng Bom… Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố đã tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển các KCN, KCX gắn với phát triển các khu dân cư, cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng.
5. Số cuộc đình công xảy ra có xu hướng giảm
Trong năm 2009 đã xảy ra 218 cuộc đình công, bằng 30% so với năm 2008, giảm rõ rệt về số lượng và quy mô so với các năm trước; diễn biến ôn hòa với thời gian xảy ra ngắn; không xảy ra hiện tượng đập phá, quá khích, tuy nhiên một số cuộc đình công vẫn có hiện tượng kích động, lôi kéo người lao động tham gia đình công; đình công vẫn xảy ra chủ yếu trong các doanh nghiệp FDI (158 cuộc, chiếm 72,48%); thuộc ngành dệt may (115 cuộc, chiếm 52,75%) và thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (155 cuộc, chiếm 71,1%); tất cả các cuộc đình công đều xảy ra không đúng theo trình tự pháp luật quy định và không do tổ chức công đoàn cơ sở lãnh đạo.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp lao động và đình công là do doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các thỏa thuận với người lao động, việc vi phạm pháp luật lao động vẫn xảy ra, nhất là nợ lương, trả chậm lương, tăng ca, tăng giờ vượt quy định của pháp luật; số cuộc đình công giảm ngoài nguyên nhân do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng đến quan hệ cung cầu lao động, còn do sự nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị số 22-CT/TW và Quyết định số 1129/QĐ-TTg từng bước hạn chế tranh chấp lao động.
Tóm lại, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy đảng các cấp, Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về nhiệm vụ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, từ đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương bước đầu mang lại kết quả. Công tác quản lý nhà nước về lao động đã được tăng cường, thiết chế hỗ trợ đối ngoại tham vấn, tổ chức đại diện các bên được củng cố, bước đầu làm chuyển biến nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc chấp hành pháp luật lao động và hợp tác giữa các bên trong quan hệ lao động.
III. MỘT SỐ TỒN TẠI TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Một số tỉnh, thành phố, nhất là những nơi có ít doanh nghiệp chậm quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị số 22-CT/TW và Quyết định số 1129/QĐ-TTg ; biên chế và năng lực của thanh tra lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động ở một số địa phương chưa thường xuyên, chưa trực tiếp đến người lao động và người sử dụng lao động ở doanh nghiệp.
2. Việc thực hiện pháp luật lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm; cơ chế đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể thực hiện còn rất hạn chế; số doanh nghiệp chưa xây dựng đăng ký thang lương, bảng lương, nội quy lao động theo quy định còn nhiều. Chậm tổng kết rút kinh nghiệm xây dựng các mô hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp phù hợp với điều kiện Việt Nam để phát triển nhân rộng ra các doanh nghiệp khác. Giải quyết các tranh chấp lao động thông qua con đường hòa giải, đàm phán chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức.
3. Việc triển khai chương trình vận động thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ở nhiều địa phương đạt kết quả chưa cao như: Vĩnh Phúc 40%, Hà Nội 26%, Hải Dương 24%, Quảng Ngãi 19%; mô hình của tổ chức đại diện của người sử dụng lao động ở Trung ương, địa phương chậm được nghiên cứu, xác định phù hợp. Việc thành lập các tổ chức đảng và đoàn thể ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh gặp khó khăn, hạn chế.
4. Tiền lương của người lao động nói chung còn thấp, đời sống một bộ phận người lao động rất khó khăn; nhu cầu về nhà ở, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người lao động là rất lớn nhưng được đáp ứng còn rất hạn chế.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 22-CT/TW VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 1129/QĐ-TTG
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW và Quyết định 1129/QĐ-TTg: đối với những địa phương chưa có kế hoạch triển khai thì khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; những địa phương đã có kế hoạch cần tập trung các giải pháp để thực hiện, tiến tới làm chuyển biến cơ bản vấn đề quan hệ lao động trong doanh nghiệp, sớm hạn chế, chấm dứt tình trạng đình công không đúng trình tự quy định của pháp luật như hiện nay.
2. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, trình ban hành theo đúng tiến độ. Đồng thời sớm xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành để ban hành kịp thời, đồng bộ với Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Xây dựng khung khổ pháp lý cho tổ chức đại diện người sử dụng lao động để các tổ chức này có cơ sở hoạt động nhằm tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bên trong quan hệ lao động.
3. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012 theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả, dễ hiểu, dễ thực hiện, trực tiếp đến đối tượng; khẩn trương hoàn thiện Đề án Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh tra lao động trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2010; trước mắt phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc kiện toàn và tăng biên chế thanh tra lao động ở những địa phương có nhiều doanh nghiệp và KCN. Duy trì thường xuyên công tác kiểm tra thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, đề phòng đình công không đúng trình tự pháp luật quy định gia tăng vào những tháng đầu năm 2010.
4. Đẩy mạnh và duy trì thường xuyên cơ chế tham vấn, đối thoại giữa Nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các bên, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển là tiền đề để thực hiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc hỗ trợ thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tiếp tục thí điểm ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may, Cao su. UBND các tỉnh, thành phố tăng cường việc đối thoại, tham vấn, phối hợp với công đoàn cùng cấp triển khai xây dựng mô hình quan hệ lao động điển hình, sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các doanh nghiệp khác trên địa bàn. Tổ chức thí điểm thành lập Ủy ban Quan hệ lao động tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép.
5. Đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nhà ở và phát triển các công trình văn hóa công cộng, tăng cường các hoạt động văn hóa tinh thần công nhân ở các KCN, KCX, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.
6. Đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập và gia nhập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI có đủ điều kiện thành lập công đoàn; sớm ban hành cơ chế chính sách để cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đẩy mạnh việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, phát huy được vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
7. Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm tổng kết mô hình hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI để có kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem Văn bản gốc.
Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây