Báo cáo 17/BC-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về tổng kết Quyết định 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • Tiếng Anh
  • Hiệu lực
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Nội dung MIX

    - Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…

    - Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.

  • Tải về
Mục lục
Tìm từ trong trang
Lưu
Theo dõi văn bản

Đây là tiện ích dành cho thành viên đăng ký phần mềm.

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản LuatVietnam và đăng ký sử dụng Phần mềm tra cứu văn bản.

Báo lỗi
Ghi chú

thuộc tính Báo cáo 17/BC-LĐTBXH

Báo cáo 17/BC-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về tổng kết Quyết định 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010
Cơ quan ban hành: Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:17/BC-LĐTBXHNgày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Báo cáoNgười ký:Doãn Mậu Diệp
Ngày ban hành:15/03/2011Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Lao động-Tiền lương, Chính sách

tải Báo cáo 17/BC-LĐTBXH

Tải văn bản tiếng Việt (.doc) Báo cáo 17/BC-LĐTBXH DOC (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.pdf) Báo cáo 17/BC-LĐTBXH PDF
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tải văn bản tiếng Việt (.zip) Báo cáo 17/BC-LĐTBXH ZIP (Bản Word)
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file.

Nếu chưa có tài khoản, vui lòng Đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Ghi chú
Ghi chú: Thêm ghi chú cá nhân cho văn bản bạn đang xem.
Hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH
 VÀ XÃ HỘI
-----------------
Số: 17/BC-LĐTBXH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------------
Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2011
 
 
BÁO CÁO
TỔNG KẾT QUYẾT ĐỊNH 19/2004/QĐ-TTG NGÀY 12/02/2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH NGĂN NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM LANG THANG, TRẺ EM BỊ XÂM PHẠM TÌNH DỤC VÀ TRẺ EM PHẢI LAO ĐỘNG NẶNG NHỌC, TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỘC HẠI VÀ NGUY HIỂM GIAI ĐOẠN 2004 – 2010
 
 
Sau 7 năm thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 2 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 – 2010 (sau đây gọi tắt là Quyết định 19), trên cơ sở tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Quyết định 19 như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 19
1. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện Quyết định 19
1.1. Ban hành các văn bản hướng dẫn
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định 19 đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, thể hiện ở việc ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn, phê duyệt các đề án và bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu của Quyết định 19 ở cấp trung ương và địa phương.
- Ngày 12/01/2005 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DSGĐTE) đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-DSGĐTE phê duyệt 04 Đề án của Quyết định 19, bao gồm: Đề án 1: Truyền thông, vận động và nâng cao năng lực quản lý chương trình; Đề án 2: Ngăn chặn và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống; Đề án 3: Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục và Đề án 4: Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm.
- Để hướng dẫn, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định 19, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2005/TTLT/BTC-UBDSGĐTE-LĐTBXH ngày 03/3/2005 và được sửa đổi nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng trẻ em thuộc Quyết định 19 bằng Thông tư số 86/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 06/10/2008.
- Hàng năm, các đơn vị được giao chủ trì các đề án đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai hoạt động. Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Quyết định 19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 1451/LĐTBXH-BVCSTE ngày 10/5/2010 chỉ đạo, hướng dẫn về việc đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Quyết định 19.
Trên cơ sở hướng dẫn hoạt động và phân bổ kinh phí của Trung ương hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây là Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em) các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân ban hành văn bản chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 19 (theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, 100% các tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em).
1.2. Công tác truyền thông vận động xã hội và nâng cao năng lực quản lý đã được các bộ, ngành và các địa phương quan tâm thực hiện.
- Các hoạt động tuyên truyền, vận động được triển khai rất phong phú với nhiều hình thức như thông qua các kênh truyền thông đại chúng; tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp cho gia đình và trẻ em tại cộng đồng; tổ chức các diễn đàn, hội thi; thông qua việc phát hành các sản phẩm truyền thông (pano, áp phích, băng rôn, sách mỏng…). Sau 7 năm thực hiện đã sản xuất và phát hành 240 chương trình truyền hình/phóng sự; trên 100 đầu báo hàng năm về các vấn đề liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phát hành 2,4 triệu tờ rơi, xây dựng 40 chuyên đề, 10 chuyên mục và trên 200 tin bài; 651 nghìn pano, áp phích, băng rôn, sách mỏng và nhiều sản phẩm truyền thông khác. Khác. Đặc biệt, hình thức truyền thông, giáo dục, tư vấn cũng đã được thực hiện thông qua hoạt động của các câu lạc bộ như Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, Gia đình văn hóa, Câu lạc bộ Kỹ năng sống, Câu lạc bộ Phòng ngừa trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Theo báo cáo của các địa phương đã có 1.160 câu lạc bộ được thành lập với gần 12 nghìn thành viên là trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ tham gia sinh hoạt đã tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng, xã hội, người dân, gia đình, các cấp, các ngành và chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và 3 nhóm đối tượng thuộc Quyết định 19 nói riêng. Phương pháp truyền thông cũng đã từng bước được cải thiện theo hướng phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn như tài liệu truyền thông được dịch theo ngôn ngữ của các dân tộc, tạo điều kiện để người dân, trẻ em ở các dân tộc tiếp thu thuận lợi hơn; các sản phẩm truyền thông mẫu cũng được thiết kế phù hợp với từng đối tượng truyền thông.
- Công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện Quyết định 19 cũng đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện thông qua việc nghiên cứu xây dựng các chương trình, nội dung tập huấn. Kết quả đã tổ chức gần 2600 lớp tập huấn cho trên 120 ngàn lượt cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo các cấp, cán bộ thực hiện Chương trình, thanh tra viên, cộng tác viên.   
Bên cạnh việc tập huấn cho cán bộ, các địa phương cũng đã tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn về kỹ năng sống cho gần 50 ngàn học sinh ở các trường trung học cơ sở. Đồng thời, cũng đã biên tập và phát hành sách bỏ túi về Quyết định 19 cho đội ngũ cán bộ để phục vụ cho công tác quản lý được thuận lợi hơn.
1.3. Tăng cường các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, giải quyết kịp thời những vụ việc xâm hại tình dục, lạm dụng sức lao động trẻ em, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang; trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và các vụ việc xâm hại trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây là Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em) đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng liên quan làm tốt công tác quản lý đối tượng trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em, đồng thời đảm bảo cho trẻ được chăm sóc, trợ giúp để phục hồi và ổn định cuộc sống. Đặc biệt là Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01/9/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em, vi phạm quyền trẻ em tại địa phương.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trẻ em tại địa bàn dân cư, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, 100% các vụ việc phát hiện xâm hại, bạo lực đối với trẻ em đều được xử lý, giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (nơi tập trung nhiều trẻ em đến lang thang, lao động kiếm sống) đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trên địa bàn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của cả 2 thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh có đông trẻ em đến 2 thành phố lang thang, lao động kiếm sống thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cho trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm được trợ giúp hồi gia và hòa nhập cộng đồng. Nhiều vụ việc dụ dỗ, lừa gạt đưa trẻ em đến thành phố kiếm sống, bóc lột sức lao động như làm việc quá sức trong các cơ sở may tư nhân, cơ sở chế biến cá bò, bán vé số… được phát hiện và xử lý kịp thời (điển hình như việc xử lý và giải quyết dứt điểm tình trạng một số “đầu nậu” tổ chức đưa trẻ em của xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào thành phố Hồ Chí Minh bán vé số vào năm 2005; giải quyết tốt tình trạng trẻ em tham gia đào đãi vàng ở Quảng Nam năm 2006, tình trạng sử dụng trẻ em trong các cơ sở may tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010).
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Quyết định 19 ở các địa phương được thực hiện thường xuyên và được lồng ghép với nội dung kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên đề đã được thực hiện như tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở một số tỉnh, thành phố (như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,…) để chấn chỉnh tình hình sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.
1.4. Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ trẻ em thông qua xây dựng và thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.
- Đề án ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống thuộc Quyết định 19 được triển khai thực hiện tại 38 tỉnh, thành phố có nhiều trẻ em lang thang đi và đến. Cùng với việc triển khai Đề án này, dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang do Ủy ban Châu Âu hỗ trợ được triển khai thực hiện trên địa bàn 51 xã/phường/thị trấn thuộc 33 quận/huyện của 10 tỉnh, thành phố. Các hoạt động can thiệp, trợ giúp được thực hiện thông qua các hình thức hỗ trợ trẻ em lang thang hồi gia, hỗ trợ trẻ em lang thang thuộc các hộ gia đình nghèo giải quyết khó khăn trước mắt, hỗ trợ học văn hóa, học nghề và tạo việc làm khi có đủ điều kiện… Bên cạnh đó, công tác ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang cũng được thực hiện thông qua việc phối hợp triển khai thực hiện nhiều mô hình khác như mô hình ngân hàng bò; mô hình nhà trọ thân thiện; mô hình câu lạc bộ gia đình nông dân không để trẻ em đi lang thang… đã huy động được nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trợ giúp trẻ em lang thang hồi gia, ổn định cuộc sống tại gia đình và hòa nhập cộng đồng.
- Đề án Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục thuộc Quyết định 19 được triển khai trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố (giai đoạn 1), từ năm 2009 đến năm 2010 mở rộng ra 63 tỉnh, thành phố, tạo điều kiện cho trẻ em và người dân được tiếp cận thông tin về phòng, chống xâm phạm tình dục trẻ em.
Mô hình phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em tại cộng đồng được triển khai rộng khắp, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương đã góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em; khuyến khích người dân tố giác tội phạm, phát hiện sớm trẻ em là nạn nhân và có biện pháp kịp thời giúp nạn nhân trẻ em bị xâm phạm tình dục phục hồi, tái hòa nhập.
Theo báo cáo của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, đã có nhiều hình thức trợ giúp trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm phạm tình dục. Việc hỗ trợ vật chất giúp các em và gia đình giảm bớt khó khăn, cha mẹ có điều kiện chăm sóc con cái như: trợ cấp khó khăn, hỗ trợ gia đình vay vốn xóa đói giảm nghèo; mua đồ dùng, dụng cụ học tập, tạo điều kiện cho các em tiếp tục được đến trường; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm đối với nạn nhân trẻ em trên 13 tuổi; khám và chữa bệnh miễn phí phục hồi sức khỏe, trợ giúp tâm lý.
- Đề án Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm thuộc Quyết định 19 được triển khai trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố trọng điểm. Nhiều mô hình đã được triển khai như mô hình dạy nghề cho trẻ em; mô hình chuyển đổi cơ cấu, tạo việc làm cho các hộ gia đình có trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; mô hình truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức; mô hình vận động, quyên góp xây nhà tình thương cho trẻ em lao động thuộc diện hộ nghèo.
- Để từng bước củng cố và phát triển Hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, Plan và Childfund xây dựng và triển khai thí điểm Hệ thống bảo vệ trẻ em tại 125 xã/phường thuộc 15 tỉnh, thành phố giai đoạn 2009 – 2011 với mục đích triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em thông qua việc cung cấp dịch vụ phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng nhằm đảm bảo mọi trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, ngược đãi và bóc lột. Tuy mới triển khai nhưng hoạt động tại các mô hình thí điểm đã đi vào nề nếp: 100% số xã, phường đã kiện toàn được Ban điều hành, nhóm công tác liên ngành giúp việc Ban điều hành, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và mạng lưới cán bộ công tác xã hội/cộng tác viên (trung bình mỗi xã 7 – 8 cộng tác viên); các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cũng đã được thực hiện. Đặc biệt việc thành lập các trung tâm công tác xã hội (tại 10 tỉnh, 2 huyện) và hàng trăm điểm tham vấn tại xã và trường học đã cho phép cung cấp nhiều loại hình dịch vụ trợ giúp trẻ em, nhờ đó nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em nói chung, công tác ngăn ngừa trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm nói riêng.
1.5. Huy động nguồn lực
Trong 7 năm, tổng kinh phí thực hiện Chương trình khoảng 325,7 tỷ đồng (80% kinh phí được thực hiện ở các địa phương). Trong đó ngân sách trung ương 169,7 tỷ đồng, Cộng đồng Châu Âu hỗ trợ thông qua dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang khoảng 106 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 50 tỷ đồng.
Ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ hàng năm, hầu hết các địa phương đã chủ động, kết hợp lồng ghép các hoạt động thực hiện Quyết định 19 với các chương trình, dự án ở địa phương như chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, dạy nghề,… Nhiều địa phương rất tích cực trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách tăng cường công tác bảo vệ trẻ em; nhiều tỉnh đã kiện toàn được đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã và cộng tác viên thôn bản.
1.6. Phối hợp thực hiện các nghiên cứu, đánh giá làm cơ sở bổ sung, hoàn thiện các giải pháp, chính sách thực hiện Quyết định 19.
Để có cơ sở bổ sung các giải pháp, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình, đồng thời làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng các Chương trình, đề án bảo vệ trẻ em giai đoạn tiếp theo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành: (i) Khảo sát, nghiên cứu thực trạng xâm hại tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh; (ii) Rà soát các quy định pháp luật về mại dâm trẻ em và phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, điều chỉnh quy định về biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh và giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người bán dâm trong độ tuổi chưa thành niên; (iii) Nghiên cứu tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 19 ở 10 tỉnh, thành phố; (iv) Khảo sát thực trạng lao động trẻ em ở một số làng nghề (Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội). Những phát hiện chính từ các kết quả nghiên cứu giúp cho công tác chỉ đạo và thực hiện Quyết định 19 có bước điều chỉnh, cải thiện tốt hơn, đồng thời làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng các Chương trình, đề án bảo vệ trẻ em giai đoạn tiếp theo.
2. Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của Quyết định 19
2.1. Nhờ những nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp của Quyết định 19, tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm cũng đã được cải thiện, đa số trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm được phát hiện đều được can thiệp, trợ giúp.
Trong 7 năm đã có:
- 28.746 trẻ em lang thang được hồi gia; gần 6.000 em được hỗ trợ học văn hóa; 5.600 em được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; 4.900 em được hỗ trợ giải quyết khó khăn về đời sống; 15.000 em được hỗ trợ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí và trên 7.000 hộ gia đình có trẻ em lang thang được tập huấn về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
- 3.798 trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm phạm tình dục được can thiệp, trợ giúp bằng nhiều hình thức (chiếm 87% tổng số trường hợp được phát hiện) và 4.308 trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục được trợ giúp.
- 6.440 trẻ em tham gia các hình thức lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm được đào tạo nghề, trợ cấp khó khăn, cấp học bổng, hỗ trợ văn hóa, đồ dùng học tập; trên 800 trẻ em bị bệnh nghề nghiệp được khám, phân loại bệnh; điều trị và phục hồi chức năng cho 55 trẻ em bị tai nạn lao động; 1.261 hộ gia đình được tập huấn phổ biến kiến thức tiếp cận cách thức sản xuất, tăng thu nhập phát triển kinh tế, 6.700 hộ gia đình được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm. Trong 7 năm đã tổ chức thanh tra tại 279 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trong số 104.588 lao động được kiểm tra có 108 lao động là người dưới 16 tuổi, trong đó có 15 em làm công việc nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.
Tình trạng trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm có xu hướng giảm dần, từ 68.000 em năm 2005 xuống còn khoảng 25.000 năm 2010.
2.2. Công tác ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm chưa đạt được kết quả theo mong muốn:
- Mục tiêu giảm 90% trẻ em lang thang vào năm 2010 chưa đạt được (giai đoạn đầu số lượng trẻ em lang thang giảm từ 22.000 em năm 2004 xuống 7.000 em năm 2005, nhưng đến năm 2010 số lượng trẻ em lang thang lại tăng lên 21.000).
- Trẻ em bị xâm phạm tình dục vẫn chưa có xu hướng giảm, hàng năm vẫn có khoảng từ 900 – 1000 trẻ em bị xâm phạm tình dục và tính chất, mức độ của hành vi vi phạm cũng phức tạp hơn.
- Tình hình trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm tuy có giảm (về số lượng) nhưng tỷ lệ trẻ em tham gia các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại nguy hiểm vẫn còn cao và chưa kiểm soát được.
2.3. Một số khó khăn trong quá trình thực hiện
- Hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến BVCSTE đã từng bước được hoàn thiện, song còn thiếu đồng bộ, nhiều quan hệ xã hội phát sinh chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, dẫn đến công tác bảo vệ trẻ em gặp nhiều khó khăn như: một số quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành chưa cụ thể, mang tính nguyên tắc, chế tài chưa đủ mạnh; Các quy định về trách nhiệm của cha mẹ, gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo đảm quyền, bổn phận của trẻ em còn chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể, chưa phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; xuất hiện một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được đưa vào Luật như: trẻ em bị buôn bán, bắt cóc, trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích.
- Đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa bàn thôn, bản, khu, ấp… chậm được kiện toàn, chưa đủ số lượng và chất lượng để cung cấp dịch vụ có tính chuyên nghiệp cho trẻ em. Trước năm 2007 cả nước có khoảng 160 nghìn cộng tác viên ở cấp thôn, bản, hiện nay chỉ còn 14.744 (bằng 9,2% so với trước năm 2007); Ở cấp xã trước đây công tác BVCSTE do cán bộ DSGĐTE chuyên trách đảm nhận, hiện nay chủ yếu do cán bộ LĐTBXH kiêm nhiệm; Ở cấp huyện trước đây có Ủy ban DSGĐTE với số lượng từ 7-9 cán bộ, trong đó có ít nhất là 2 cán bộ làm công tác BVCSTE nhưng khi chuyển về ngành LĐTBXH thì chỉ có 26% cấp huyện có 1 cán bộ chuyên trách, còn lại do cán bộ LĐTBXH kiêm nhiệm; cấp tỉnh, trước năm 2007 có từ 5 – 7 cán bộ làm công tác BVCSTE thì nay chỉ còn 3-4 người.
- Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa được hình thành đủ về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác.
- Các hình thức trợ giúp cho 3 nhóm đối tượng trẻ em thuộc Quyết định 19 chưa đa dạng, phong phú, định mức trợ giúp thấp, trong khi đó các hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được thực hiện từ nhiều chương trình, đề án riêng biệt, do nhiều bộ, ngành chủ trì nên còn chồng chéo về nguồn lực, hoạt động trợ giúp hoặc bỏ sót đối tượng dẫn đến công tác trợ giúp chưa hiệu quả.
- Chưa có một hệ thống bảo vệ trẻ em đồng bộ như các nước trong khu vực, do vậy chưa đáp ứng các yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em từ khâu phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đến việc thực hiện các can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi, hòa nhập cộng đồng; việc tiếp cận với các dịch vụ phúc lợi xã hội đang có dành cho trẻ em vẫn còn khó khăn.
- Ngân sách trung ương, địa phương bố trí cho chương trình quá ít, chỉ có 169,7 tỷ đồng cho 4 đề án thực hiện trong 7 năm, chưa đủ để tác động làm thay đổi thực trạng tình hình và đạt mục tiêu của Chương trình.
II. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẺ EM TRONG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
Để khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em, đảm bảo các điều kiện để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tăng cường chính sách trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập và bình đẳng về cơ hội phát triển, cần thiết phải xây dựng và thực hiện một Chiến lược tổng thể về bảo vệ trẻ em với những nội dung cơ bản sau:
1. Hoàn thiện Hệ thống luật pháp, chính sách: Nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 theo hướng cụ thể, toàn diện hơn, đặc biệt về việc mở rộng độ tuổi trẻ em, việc bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ luật Hình sự về tội danh liên quan đến cưỡng bức, bóc lột lao động trẻ em, sử dụng trẻ em để sản xuất các tài liệu, ấn phẩm khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm; sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ luật Lao động quy định về thời gian làm việc cho phù hợp với sự phát triển và đặc điểm tâm sinh lý của lao động là người chưa thành niên; mở rộng phạm vi điều chỉnh Bộ Luật Lao động đối với khu vực phi kết cấu; bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật, chính sách về tư pháp cho người chưa thành niên theo hướng thân thiện hơn đối với người chưa thành niên phạm tội.
2. Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp xã.
3. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đồng bộ đảm bảo việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ kịp thời và hiệu quả theo xu hướng chung của cộng đồng quốc tế. Từng bước thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận bảo vệ trẻ em, lấy việc phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt làm trọng tâm thay cho việc trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay.
4. Hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin, quản lý, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng của công tác bảo vệ trẻ em.
5. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ trẻ em; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, sự cam kết giữa nhà trường, gia đình và cấp chính quyền; cam kết giữa gia đình với thôn, bản, tổ dân phố để phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm nói riêng, công tác bảo vệ trẻ em nói chung./.
 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban CVĐXH của QH;
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của QH;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ trưởng Bộ LĐTBXH;
- Các Thứ trưởng Bộ LĐTBXH;
- Sở LĐTBXH 63 tỉnh/TP;
- Các Cục BVCSTE, PCTNXH, VL;
- Lưu: VT.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Doãn Mậu Diệp
 
 
Ghi chú
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Hiển thị:
download Văn bản gốc có dấu (PDF)
download Văn bản gốc (Word)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

văn bản mới nhất

loading
×
×
×
Vui lòng đợi