[Tổng hợp] Chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù

Tái hòa nhập cộng đồng là một thử thách lớn với không ít người mới ra tù, đặc biệt trong việc tìm kiếm việc làm. Dưới đây là tổng hợp chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù.


Sau bao lâu người bị phạt tù được trở lại cuộc sống?

Một trong những hình phạt nghiêm khắc hiện nay là hình phạt tù. Theo Điều 32 Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người phạm tội có thể bị tù có thời hạn hoặc tù chung thân.

Không tính đến tù chung thân, những người chịu hình phạt tù có thời hạn sẽ bị giam giữ tối thiểu 03 tháng và tối đa 20 năm tù. Sau thời gian này, họ được trở về và hòa nhập với cộng đồng.

Như vậy, tùy vào thời hạn bị phạt tù, hết thời hạn phải chấp hành hình phạt tù thì người phạm tội sẽ được trả tự do và tái hòa nhập với cuộc sống.

Có thể thấy, hình phạt tù được coi là một trong các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền của người phạm tội.

Tuy nhiên, không chỉ là biện pháp trừng trị người phạm tội mà đây còn có thể coi là một trong các biện pháp nhằm giáo dục họ và những người xung quanh ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù
Chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù (Ảnh minh họa)

Chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù 2024

Trước đây, căn cứ Thông tư Thông tư 44/2016/TT-BLĐTBXH, người chấp hành xong hình phạt tù sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc tìm kiếm việc làm gồm:

- Được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp

- Được tư vấn, giới thiệu việc làm

- Được vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm

- Được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Tuy nhiên, Thông tư này đã hết hiệu lực. Theo quy định mới nhất, Chính phủ ban hành các quy định về đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tại Điều 11 Nghị định 49/2020/NĐ-CP gồm:

- Tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó:

+ Người mới ra tù tham gia đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đáp ứng điều kiện: Có dưới 03 tháng đào tạo và thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp thì sẽ được:

  • Miễn, giảm học phí
  • Hưởng chính sách nội trú
  • Hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại

+ Các đối tượng không thuộc trường hợp được hưởng chính sách hỗ trợ: Việc hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

- Hỗ trợ vay vốn đào tạo nghề nghiệp: Với chính sách này, người mới ra tù có thể được hưởng các chính sách về vay vốn áp dụng với các trường hợp:

  • Tín dụng với học sinh, sinh viên
  • Được Quỹ quốc gia về việc làm cho vay vốn tạo việc làm
  • Được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm

Nếu có nhu cầu vay vốn đào tạo nghề nghiệp thì người ra tù được vay 1,5 triệu đồng/tháng với chính sách tín dụng của học sinh, sinh viên từ Ngân hàng Chính sách xã hội (Điều 1 Quyết định 751/QĐ-TTg).

Trường hợp muốn vay với số tiền lớn hơn để tạo việc làm thì người ra tù có thể vay từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức vay tối đa là 100 triệu đồng với người lao động theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 74/2019/NĐ-CP.

Thời hạn vay vốn áp dụng cho các đối tượng mới ra tù không quá 120 tháng. Và thời hạn cụ thể sẽ do ngân hàng chính sách xã hội và người vay vốn thỏa thuận theo nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay vốn.

- Được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tùy vào nhu cầu của người mới ra tù và căn cứ vào thực tiễn của thị trường lao động.

Do vậy, người chấp hành xong hình phạt tù còn được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

Đặc biệt: Người mới ra tù dưới 18 tuổi sẽ được ưu tiên đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm. Với đối tượng là trẻ em mới ra tù thì sẽ được hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp của pháp luật.

Đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm là những công việc tích cực, có ý nghĩa không chỉ riêng bản thân người lao động mà còn góp phần giải quyết việc làm cho những lao động khác.

Để tạo sự công bằng, không phân biệt đối xử với người chấp hành hình phạt tù, nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì họ sẽ được hỗ trợ như những người lao động khác.

Ngoài việc trợ giúp về việc làm, người chấp hành xong hình phạt tù nếu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thì còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác (trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế…) để ổn định cuộc sống.

Với những chính sách này, Nhà nước muốn tạo điều kiện tốt nhất để những người lầm lỡ xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti để tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Trên đây là thông tin về chính sách hỗ trợ việc làm cho người mới ra tù mới nhất. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ tổng đài của LuatVietnam số 19006192

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu Báo cáo y tế lao động 6 tháng đầu năm 2025

Mẫu Báo cáo y tế lao động 6 tháng đầu năm 2025

Mẫu Báo cáo y tế lao động 6 tháng đầu năm 2025

Báo cáo y tế lao động là văn bản mà cơ sở y tế nộp cho cơ quan có thẩm quyền để báo cáo tình trạng sức khỏe của người lao động, các biện pháp y tế đã thực hiện và các dữ liệu liên quan khác. Bài viết dưới đây sẽ cập nhật Mẫu Báo cáo y tế lao động 6 tháng đầu năm 2025 để các cơ sở theo dõi thực hiện.