Vẫn làm việc khi hết hạn hợp đồng, người lao động có quyền gì?

Khi hợp đồng lao động hết hạn, nhiều người lao động không được công ty ký tiếp hợp đồng. Vậy khi đó, người lao động vẫn làm việc khi hết hạn hợp đồng lao động được hưởng quyền lợi gì?

Vẫn làm việc dù hợp đồng hết hạn, người lao động có quyền gì?

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012, hợp đồng lao động gồm các loại sau:

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực hợp đồng;

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ đủ 12 - 36 tháng;

- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định: Có thời hạn dưới 12 tháng.

Đặc biệt, khoản 2 Điều này nêu rõ, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động mùa vụ hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng hết hạn:

- Hai bên phải ký hợp đồng lao động mới. Tuy nhiên, số lần ký mới chỉ được thêm 01 lần. Sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

- Nếu không ký thì hợp đồng lao động xác định thời hạn trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng mùa vụ trở thành hợp đồng xác định thời hạn 24 tháng.

Như vậy, có thể thấy, khi hết hạn hợp đồng mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì tùy vào loại hợp đồng trước đó đã ký với doanh nghiệp mà người lao động có thể được ký hợp đồng lao động mới hoặc chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn hoặc có thời hạn 24 tháng.


Quyền lợi người lao động vẫn làm việc khi hết hạn hợp đồng (Ảnh minh họa)

Không ký tiếp hợp đồng đã hết hạn, doanh nghiệp bị phạt nặng!

Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu rõ:

Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động

Đồng thời, theo phân tích ở trên, khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết hạn, hai bên phải ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc không sẽ chuyển sang loại hợp đồng lao động khác.

Có thể thấy, việc ký hợp đồng lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động. Theo đó, tại Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP nêu rõ mức phạt đối với người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với công việc có thời hạn từ 03 tháng trở lên:

- Từ 02 - 05 triệu đồng: Vi phạm từ 01 - 10 người lao động;

- Từ 05 - 10 triệu đồng: Vi phạm từ 11 - 50 người lao động;

- Từ 10 - 20 triệu đồng: Vi phạm từ 51 - 100 người lao động;

- Từ 15 - 20 triệu đồng: Vi phạm từ 101 - 300 người lao động;

- Từ 20 - 25 triệu đồng: Vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Bên cạnh việc phạt tiền người sử dụng lao động, trường hợp không được ký kết hợp đồng lao động thì người lao động sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội cùng với hưởng các chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất… bởi theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất:

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động

Nói tóm lại, vẫn làm việc khi hết hạn hợp đồng lao động thì người lao động phải được ký kết hợp đồng lao động mới hoặc tùy vào từng loại hợp đồng lao động trước đó mà được chuyển sang loại hợp đồng lao động tương ứng theo phân tích ở trên.

Ngoài ra, về các loại hợp đồng lao động, độc giả có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây:

>> Phân biệt các loại hợp đồng lao động thông dụng chi tiết nhất

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục