Có được từ chối khi phải làm việc không đúng hợp đồng?

Do yêu cầu sản xuất, không ít doanh nghiệp thực hiện phương án chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng. Lúc này, người lao động có được từ chối?

Khi nào được giao việc không đúng hợp đồng?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Bộ luật Lao động 2012, có 04 trường hợp người sử dụng lao động được chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Cụ thể:

- Gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh;

- Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Sự cố điện, nước;

- Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Ngoại trừ 04 trường hợp này, vì bất cứ lý do gì mà người sử dụng lao động chuyển người lao động sang làm công việc khác đều không được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, công việc này phải phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động và thời gian làm việc không quá 60 ngày cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.

Đồng thời, trước khi chuyển, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời gian làm việc.

Có được từ chối khi phải làm việc không đúng hợp đồng? (Ảnh minh họa)


Quyền lợi khi làm việc không đúng hợp đồng

Người lao động theo sự sắp xếp của người sử dụng lao động làm công việc không đúng hợp đồng sẽ được trả lương theo công việc mới. Nếu mức lương này thấp hơn mức lương cũ thì được giữ nguyên mức lương cũ trong 30 ngày làm việc.

(theo khoản 3 Điều 31 Bộ luật Lao động 2012)

Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, mức lương thấp nhất mà người lao động nhận được khi làm công việc không đúng với hợp đồng là:

- 4,18 triệu đồng/tháng nếu doanh nghiệp thuộc vùng I;

- 3,71 triệu đồng/tháng nếu doanh nghiệp thuộc vùng II;

- 3,25 triệu đồng/tháng nếu doanh nghiệp thuộc vùng III;

- 2,92 triệu đồng/tháng nếu doanh nghiệp thuộc vùng IV.

(theo Điều 3 Nghị định 157/2018/NĐ-CP)

Có được từ chối khi phải làm việc không đúng hợp đồng?

Như đã đề cập, pháp luật bảo vệ 04 trường hợp người sử dụng lao động giao việc không đúng hợp đồng cho người lao động.

Do đó, người lao động buộc phải tuân theo sự sắp xếp này khi người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định về việc bố trí công việc cũng như thời gian báo trước.

Đồng thời, pháp luật chỉ cho phép người sử dụng lao động yêu cầu người lao động làm công việc này tối đa 60 ngày cộng dồn trong một năm. Nếu nhiều hơn thời gian này thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.

Như vậy, nếu hết 60 ngày làm việc, nếu người sử dụng lao động vẫn yêu cầu làm việc không đúng hợp đồng thì người lao động được quyền từ chối.

Trong trường hợp bị bắt ép, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng theo Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 với lý do “Không được bố trí theo đúng công việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động”.

Lúc này, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp và được trả lại sổ bảo hiểm xã hội. Chi tiết tại đây.

Trên đây là giải đáp của LuatVietnam về việc có được từ chối khi phải làm việc không đúng hợp đồng. Người lao động nên nắm chắc những thông tin nêu trên để bảo đảm công việc và bảo vệ quyền lợi cho mình.

>> Ép người lao động nghỉ việc, công ty bị phạt thế nào?

Thùy Linh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục