Những trường hợp nào được miễn trực đêm?

Để quá trình sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện phân ca làm việc luân chuyển ngày - đêm đối với người lao động. Vậy có trường hợp nào người lao động được miễn làm việc ca đêm không?


1. Công ty sắp xếp trực đêm, người lao động có được từ chối?

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có nghĩa vụ tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Vì vậy, người lao động có nghĩa vụ thực hiện công việc theo thỏa thuận dưới sự bố trí của người sử dụng lao động.

Mặt khác, khi giao kết hợp đồng lao động, các bên cũng đã phải thỏa thuận rõ ràng về thời giờ làm việc bởi đây là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động theo điểm g khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019.

Đối với nội dung về thời giờ làm việc, khoản 7 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn như sau:

7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.

Theo đó, các bên có thể thỏa thuận cụ thể về thời gian làm việc hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy chung hoặc theo sự sắp xếp của người sử dụng lao động.

Do đó, khi được bố trí làm việc vào ban đêm, người lao động phải chấp hành sự chỉ đạo của người sử dụng lao động mà không được quyền từ chối.

Nếu từ chối làm việc vào ban đêm, người lao động có thể được xem là vi phạm nội quy lao động và bị người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật lao động. Thậm chí, người lao động còn bị xếp vào trường hợp tự ý bỏ việc, có thể bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay mà không cần báo trước nếu tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên (theo Điều 36 Bộ luật Lao động 2019). 


2. Trường hợp nào được miễn trực đêm?

Theo Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2019, giờ làm việc ban đêm được xác định là từ 22 giờ hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Đây đáng lẽ là thời gian nghỉ ngơi của nhiều người nhưng để đảm bảo việc sản xuất kinh doanh được xuyên suốt, nhiều doanh nghiệp cũng phải sắp xếp nhân viên làm việc cả vào ban đêm.

Dù vậy, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động mang thai, đang nuôi con nhỏ, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định về việc người sử dụng lao động không được sử dụng những người lao động này nếu thuộc các trường hợp tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật này:

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

Theo đó, người lao động sẽ được miễn trực đêm nếu thuộc môt trong các trường hợp sau:

(1) Mang thai từ tháng thứ 07 trở đi.

(2) Mang thai từ tháng thứ 06 đối với người làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

(3) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nếu cố tình ép những người lao động trên làm trực đêm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm a, b khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.


3. Nếu vẫn trực đêm, người lao động được tính lương thế nào?

Mặc dù được miễn trực đêm khi đang mang thai những tháng cuối hoặc đang nuôi con nhỏ nhưng nếu có nhu cầu làm việc để kiếm thêm thu nhập, người lao động đang nuôi còn nhỏ vẫn lựa chọn đi trực đêm.

Làm việc vào ban đêm có thể đem đến những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe của người lao động. Chính vì vậy mà pháp luật cũng dành thêm ưu đãi về tiền lương cho người lao động làm việc vào ban đêm.

Cụ thể, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định về tiền lương làm việc vào ban đêm như sau:

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Theo đó, tiền lương trực đêm của người lao động được tính như sau:

- Ngày làm việc bình thường:

Tiền lương trực đêm

=

(

Tiền lương thực trả vào ban ngày của ngày làm việc bình thường

x

Ít nhất 130%

)

x

Số giờ làm việc

- Ngày nghỉ hằng tuần:

Trường hợp làm ban đêm vào ngày này được được tính làm thêm giờ nên người lao động sẽ được tính lương như sau:

Tiền lương trực đêm

=

(

Tiền lương thực trả vào ban ngày của ngày làm việc bình thường

x

Ít nhất 270%

)

x

Số giờ làm việc

- Ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương:

Trường hợp làm ban đêm vào các ngày này cũng được được tính làm thêm giờ nên người lao động sẽ được tính thêm lương (chưa kể lương ngày lễ, Tết và nghỉ có hưởng lương) như sau:

Tiền lương trực đêm

=

(

Tiền lương thực trả vào ban ngày của ngày làm việc bình thường

x

Ít nhất 390 %

)

x

Số giờ làm việc

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Trường hợp nào được miễn trực đêm?” Nếu  còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn 1900.6192 của LuatVietnam để được hỗ trợ giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục