Trợ cấp thôi việc: Điều kiện, mức hưởng và thủ tục nhận

Trợ cấp thôi việc là một trong những khoản tiền mà người lao động có thể được nhận sau khi nghỉ việc. Vậy cần điều kiện gì để được nhận trợ cấp thôi việc? Mức hưởng loại trợ cấp này là bao nhiêu?


1. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động muốn hưởng trợ cấp thôi việc sau khi nghỉ việc phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1 - Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên trước khi nghỉ việc.

2 - Chấm dứt hợp đồng lao động bởi một trong các căn cứ sau:

- Do hết hạn hợp đồng.

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng.

- Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

- Người lao động bị phạt tù nhưng không được hưởng án treo/không được trả tự do, tử hình/bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động.

- Người lao động chết; bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích/đã chết;

- Người sử dụng lao động chết; bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích/đã chết.

- Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động/bị thông báo không có người đại diện.

- Người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.

Xem thêm: Trường hợp nào được hưởng trợ cấp thôi việc?


2. Trường hợp nào không được hưởng trợ cấp thôi việc?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, có 02 trường hợp dù có đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc nêu trên nhưng không được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp đó là:

1 - Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo quy định tại Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được hưởng lương hưu thường phải có đủ 02 điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

* Về tuổi nghỉ hưu:

Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường phải từ đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và 55 tuổi 04 tháng đối với nữ khi nghỉ hưu vào năm 2021. Mỗi năm sau đó thì tuổi nghỉ hưu của nam tăng 03 tháng đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; còn tuổi nghỉ hưu của nữ tăng 04 tháng đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động còn có thể được nghỉ hưu trước độ tuổi nêu trên từ 05 đến 10 năm, thậm chí là trước rất nhiều năm.

Xem thêm: Cách để biết mình nghỉ hưu năm bao nhiều tuổi?

* Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

Hầu hết mọi trường hợp người lao động đều phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên.

Riêng trường hợp lao động nữ làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.

2 - Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục mà không có lý do chính đáng.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, người lao động hoặc thân nhân người đó bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trường hợp khác theo nội quy lao động.

Nếu không có các lý do này mà tự ý bỏ việc từ 05 ngày liên tục trở lên, người lao động bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

tro cap thoi viec


3. Mức hưởng trợ cấp thôi việc là bao nhiêu?

3.1. Công thức tính trợ cấp thôi việc

Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, trợ cấp thôi việc được tính theo công thức sau đây:

Tiền trợ cấp thôi việc

=

1/2

x

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

x

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

3.2. Cách xác định thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp

Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp thôi việc được tính như sau:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

=

Tổng thời gian người lao động đã làm việc

-

Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp

-

Thời gian đã được chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm

Trong đó:

- Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế bao gồm:

+ Thời gian trực tiếp làm việc;

+ Thời gian thử việc;

+ Thời gian được người sử dụng cử đi học;

+ Thời gian nghỉ chế độ ốm đau, thai sản;

+ Thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được trả lương;

+ Thời gian nghỉ để thực hiện nghĩa vụ công mà được trả lương;

+ Thời gian ngừng việc không do lỗi của phía người lao động;

+ Thời gian nghỉ hằng tuần;

+ Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương;

+ Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại điện người lao động;

+ Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

- Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

+ Thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp;

+ Thời gian thuộc diện không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng được người sử dụng chi trả cùng tiền lương một khoản tiền bằng với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc mà lẻ tháng sẽ được làm tròn:

+ Có tháng lẻ ít hoặc bằng 06 tháng: Tính 1/2 năm;

+ Trên 06 tháng: Tính 01 năm.

3.3. Cách xác định tiền lương tính hưởng trợ cấp

* Trường hợp thông thường:

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc = Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi thôi việc.

* Trường hợp làm việc theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau:

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc = Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng trước khi chấm dứt hợp đồng cuối cùng.

- Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị vô hiệu do tiền lương:

Tiền lương tính trợ cấp thôi việc do thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Xem thêm: Cách tính trợ cấp thôi việc theo quy định mới nhất


4. Nhận trợ cấp thôi việc có cần thực hiện thủ tục gì không?

Theo Điều 46 Bộ luật Lao động, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Người lao động chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện đã nêu ở trên thì sẽ được trả loại trợ cấp này.

Pháp luật cũng không có yêu cầu gì về thủ tục đối với việc chi trả loại trợ cấp thôi việc. Do đó, doanh nghiệp có thể tự chọn cách thức để trả khoản tiền này cho người lao động mà không cần người lao động phải thực hiện thủ tục gì.

Dù vậy, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo về thời hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019.

tro cap thoi viec anh 1














Những thông tin quan trọng về trợ cấp thôi việc (Ảnh minh họa)


5. Nghỉ việc bao lâu thì được nhận trợ cấp thôi việc?

Liên quan đến việc nhận trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng, khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ:

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

Theo đó, với trường hợp thông thường, người lao động chỉ mất tối đa 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ nhận được trợ cấp thôi việc. Trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động có thể phải chờ đến 30 ngày để nhận trợ cấp thôi việc.


6. Không trả trợ cấp thôi việc, công ty có bị phạt?

Nếu người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc mà công ty lại cố tình không trả thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi không trả hoặc không trả đủ trợ cấp thôi việc cho người lao động sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức phạt căn cứ cứ vào số lượng người lao động bị vi phạm:

- Từ 01 - 02 triệu đồng: Nếu có 01 - 10 người lao động bị vi phạm;

- Từ 02 - 05 triệu đồng: Nếu có từ 11 - 50 người lao động bị vi phạm;

- Từ 05 - 10 triệu đồng: Nếu có từ 51 - 100 người lao động bị vi phạm;

- Từ 10 - 15 triệu đồng: Nếu có từ 101 - 300 người lao động bị vi phạm;

- Từ 15 - 20 triệu đồng: Nếu có từ 301 người lao động.

Đồng thời, người sử dụng còn buộc phải trả đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động và tính thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa trả theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm bị xử phạt.

Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến trợ cấp thôi việc mà người lao động và người sử dụng lao động đều nên biết. Mọi thắc mắc liên quan đến trợ cấp này sẽ được LuatVietnam giải đáp qua tổng đài 1900.6192.

>> Cách để phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp

>> Những khoản tiền người lao động có thể được nhận khi nghỉ việc  

>> Các lưu ý mới khi chấm dứt hợp đồng theo Bộ luật Lao động 2019
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục