Trong thời gian thử việc, vai trò của người lao động trong doanh nghiệp khá mờ nhạt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người lao động bỏ qua quyền lợi của mình dù thử việc 1 ngày.
Thời gian thử việc tối đa
Thử việc là khoảng thời gian để sinh viên vừa tốt nghiệp hòa nhập với môi trường mới hay những người đã từng đi làm thích nghi với công việc mới.
Chính vì vậy, khi bắt đầu một công việc, doanh nghiệp và người lao động có thể thoả thuận với nhau về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ trong thời gian thử việc.
Căn cứ tính chất và độ phức tạp của công việc, mỗi công việc chỉ được thử việc 01 lần với thời gian:
- Không quá 60 ngày với công việc cần trình độ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày với công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
- Không quá 06 ngày với công việc khác.
Riêng người làm theo hợp đồng mùa vụ thì không phải thử việc.
(Điều 27 Bộ luật Lao động 2012)
Thử việc 1 ngày có được trả lương? (Ảnh minh họa)
Tiền lương trong thời gian thử việc
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Lao động 2012, tiền lương trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng tối thiểu phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Trường hợp doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức nêu trên, người lao động hoàn toàn có thể khiếu nại và doanh nghiệp có thể bị phạt tới 5 triệu đồng (Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP)
Thử việc 1 ngày có được trả lương?
Trong thời gian thử việc, quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp chưa được xác lập chính thức nên không có bất cứ sự ràng buộc nào. Người lao động có quyền nghỉ việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu đã thoả thuận.
Do đó, khi nghỉ việc, doanh nghiệp có trách nhiệm trả đầy đủ lương cho những ngày người lao động đã làm, dù thử việc 1 ngày. Theo đó:
Tiền lương tháng | = | {Tiền lương tháng | + | Phụ cấp (nếu có)} | : Số ngày làm việc bình thường trong tháng | x | Số ngày làm việc thực tế |
(điểm c khoản 1 Điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP)
Xem thêm...
Mỗi ngày làm việc dù ít dù nhiều vẫn là công sức của người lao động. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình, dù thử việc nhưng người lao động vẫn nên yêu cầu doanh nghiệp lập thành hợp đồng.
Trường hợp thỏa thuận bằng miệng thì nên có bằng chứng xác nhận đã xác lập quan hệ thử việc để tránh việc doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm sau này.
Thùy Linh