Hướng dẫn từng bước trong thủ tục cắt giảm nhân sự

Hiện nay, thủ tục cắt giảm nhân sự vẫn chưa được các doanh nghiệp chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Điều này có thể khiến cho doanh nghiệp gặp các rủi ro về pháp lý. Vậy làm thế nào để cắt giảm nhân sự một cách hợp pháp?


Lý do cho phép doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự là gì?

Cắt giảm nhân sự được hiểu đơn giản là việc doanh nghiệp đồng loạt chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn với nhiều người lao động. Trường hợp cắt giảm nhân sự thường không do lỗi của người lao động mà do ảnh hưởng của các điều kiện khách quan như thiên tai, địch họa, các lý do kinh tế, doanh nghiệp có sự thay đổi,…

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp có thể lấy các lý do sau để tiến hành việc cắt giảm nhân sự:

(1) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc doanh nghiệp di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Với lý do này, doanh nghiệp được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhưng phải đảm bảo thời gian báo trước.

(2) Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc gặp lý do kinh tế.

(3) Doanh nghiệp bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

Với trường hợp (2) và (3), doanh nghiệp phải tiến hành xây dựng phương án sử dụng lao động trước rồi mới được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Doanh nghiệp được lấy lý do gì để cắt giảm nhân sự? (Ảnh minh họa)


Thủ tục cắt giảm nhân sự được tiến hành như thế nào?

Đối với các từng lý do cắt giảm lao động khác nhau mà người sử dụng lao động sẽ phải tiến hành theo các thủ tục khác nhau để chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động một cách hợp pháp.

* Cắt giảm lao động do doanh nghiệp gặp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh:

Doanh nghiệp phải thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động.

- Thời hạn ra thông báo:

  • Với người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn: Báo trước ít nhất 45 ngày so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.
  • Với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 12 đến 36 tháng: Báo trước ít nhất 30 ngày so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.
  • Với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng: Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc so với ngày chính thức chấm dứt hợp đồng.

- Hình thức thông báo: Ra văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động.

Bước 2: Ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động khi đến hạn và tiến hành thanh lý hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp có trách nhiệm trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, tiền phép năm chưa nghỉ hết và các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Ngoài ra còn phải chốt thời gian đóng bảo hiểm và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Căn cứ: Điều 36, Điều 45, Điều 46 và Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019. 

Thủ tục cắt giảm nhân sự được tiến thế nào? (Ảnh minh họa)

* Cắt giảm lao động do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ, gặp lý do kinh tế; bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản:

Doanh nghiệp buộc phải tiến hành 05 bước sau đây:

Bước 1: Xây dựng phương án sử dụng lao động

Căn cứ khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2019, phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau:

- Số lượng và danh sách người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;

- Số lượng và danh sách người lao động nghỉ hưu;

- Số lượng và danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;

- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;

- Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Bước 2: Trao đổi và thông báo cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong quá trình xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có).

Trường hợp không giải quyết được việc làm cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp mà phải cho họ nghỉ việc thì doanh nghiệp phải trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.

Bước 3: Thực hiện phương án sử dụng lao động.

Bước 4: Thanh lý hợp đồng lao động với người lao động thuộc diện cắt giảm nhân sự.

Người lao động được trả lương, trợ cấp mất việc, tiền phép năm chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết cùng các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết thủ tục cắt giảm nhân sự mà doanh nghiệp không nên bỏ qua. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục