Thanh tra bảo hiểm xã hội là gì? Vị trí, chức năng thế nào?

Thanh tra bảo hiểm xã hội có chức năng, vị trí quan trọng nhằm kiểm tra về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Vậy thanh tra bảo hiểm là gì? Vị trí, chức năng thế nào?

1. Thanh tra bảo hiểm xã hội là gì? Vị trí, chức năng thế nào?

Thanh tra bảo hiểm xã hội là gì? Vị trí, chức năng thế nào? (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 03/2024/NĐ-CP, thanh tra bảo hiểm xã hội là cơ quan của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, có chức năng thực hiện nhiệm vụ:

  • Thanh tra chuyên ngành về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các luật chuyên ngành khác, đảm bảo không chồng chéo với chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

  • Thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và các tiêu cực theo quy định pháp luật.

Thanh tra bảo hiểm xã hội chịu sự chỉ đạo và điều hành của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra bảo hiểm xã hội

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra bảo hiểm xã hội (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 03/2024/NĐ-CP, Thanh tra bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ và quyền hạn gồm:

  • Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và hướng dẫn Bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (Bảo hiểm xã hội tỉnh) xây dựng dự thảo về kế hoạch thanh tra để tổng hợp, trình Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

  • Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đồng thời đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm xã hội tỉnh.

  • Thanh tra chuyên ngành về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật.

  • Thanh tra các vụ việc khác khi Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao việc.

  • Thanh tra lại các vụ việc đã có kết luận của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

  • Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các quyết định xử lý về thanh tra của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

  • Kiểm tra tính chính xác và hợp pháp các kết luận thanh tra của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh về các vụ việc do Thanh tra Bảo hiểm xã hội kết luận khi thấy cần thiết.

  • Chỉ đạo việc thanh tra và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho Bảo hiểm xã hội tỉnh.

  • Tổng hợp và báo cáo kết quả của công tác thanh tra.

- Giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại và tố cáo theo quy định pháp luật.

- Giúp Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác phòng chống tham nhũng và các tiêu cực theo quy định pháp luật.

3. Thanh tra bảo hiểm xã hội về những nội dung gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được ban hành kèm Điều 17 Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016, thanh tra bảo hiểm xã hội về những nội dung sau:

- Đối tượng đóng.

- Mức đóng.

- Phương thức đóng.

Như vậy, nội dung thanh tra bảo hiểm xã hội có 03 nội dung như trên.

4. Thời gian tiến hành thanh tra bảo hiểm xã hội là bao lâu?

Căn cứ khoản 2 Điều 18 của Quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN và hoạt động kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được ban hành kèm Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2016, thời gian tiến hành thanh tra bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể như sau:

- Đối với cuộc thanh tra chuyên ngành về việc đóng bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành có thời gian thực hiện là: Không quá 45 ngày, trong các trường hợp phức tạp thì có thể dài hơn nhưng không được quá 70 ngày.

- Đối với cuộc thanh tra chuyên ngành về việc đóng bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành có thời gian thực hiện là: Không quá 30 ngày, trong các trường hợp phức tạp thì có thể dài hơn nhưng không được quá 45 ngày.

5. Một số trường hợp bị thanh tra bảo hiểm xã hội hiện nay

Hiện nay, một số trường hợp thường bị thanh tra bảo hiểm xã hội gồm:

- Doanh nghiệp bị nghi ngờ có hành vi trục lợi từ bảo hiểm.

- Doanh nghiệp vừa hoàn tất quyết toán thuế.

- Doanh nghiệp chuẩn bị thanh toán tiền trợ cấp bảo hiểm (ốm đau, thai sản).

- Khi doanh nghiệp thực hiện báo giảm hoặc bổ sung lao động.

- Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhiều, kéo dài mà không có dấu hiệu nộp…

Trên đây là những thông tin về Thanh tra bảo hiểm là gì? Vị trí, chức năng thế nào?
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục