Sợ bị lây nhiễm Covid-19, nhân viên có được tự nghỉ làm?

Dịch Covid-19 đang có nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng. Dù doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhưng nhiều lao động vẫn lo lắng đến mức nghỉ làm. Tuy nhiên, người lao động có được làm việc này?

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, ngoài các trường hợp đặc biệt như nghỉ lễ, tết, nghỉ ốm đau, thai sản… thì người lao động chỉ được nghỉ làm trong 04 trường hợp.

Trường hợp 1. Nghỉ phép năm

Điều 111 Bộ luật Lao động 2012 quy định, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ phép năm và hưởng nguyên lương:

  • 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  • 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt hoặc lao động chưa thành niên, người khuyết tật;
  • 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện chế độ nghỉ này, người lao động phải thông báo với người sử dụng lao động để có sự bố trí, sắp xếp công việc phù hợp.

Trường hợp 2. Nghỉ không lương

Theo quy định tại khoản 3 Điều 116 Bộ luật Lao động hiện hành, ngoài các trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương như kết hôn, con kết hôn, bố/mẹ đẻ, bố/mẹ chồng… chết thì người lao động được thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu lo sợ dịch bệnh mà muốn tạm nghỉ việc thì người lao động có thể thỏa thuận nghỉ không lương với số ngày không hạn chế.

Người lao động có được tự ý nghỉ không xin phép? (Ảnh minh họa)

Trường hợp 3. Thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Cũng theo Bộ luật này, cụ thể khoản 5 Điều 32, pháp luật cho phép các bên trong quan hệ lao động được thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Do vậy, người lao động sẽ được nghỉ làm nếu được người sử dụng lao động đồng ý.

Trường hợp 4. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Điểm d khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 có nêu:

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động thì được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong đó, điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định 05/2015/NĐ-CP giải thích cụ thể hơn, đó là khi người lao động:

  • Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố/mẹ đẻ, bố/mẹ vợ hoặc bố/mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn;
  • Ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc;
  • Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà người lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.

Trong những trường hợp này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc.

Lưu ý: Với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thì chỉ cần báo trước ít nhất 45 ngày mà không cần lý do.

Với những phân tích nêu trên, có thể thấy, dù nghỉ việc trong bất cứ trường hợp nào thì người lao động cũng phải thông báo, thậm chí chỉ được nghỉ khi được sự đồng ý của người sử dụng lao động. Người lao động không được tự ý nghỉ không xin phép.

Sự ràng buộc này nhằm giúp người sử dụng lao động duy trì nề nếp, trật tự, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình.

>> Quyền lợi người lao động bị nghỉ việc vì dịch Covid-19

Thùy Linh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục