Sau dịch, doanh nghiệp phải làm gì để sắp xếp lại lao động?

Với sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ai cũng mong muốn dịch sớm qua đi để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi đó, không ít doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại. Pháp luật hiện hành quy định thế nào về vấn đề này?

Theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2012, khi thay đổi cơ cấu, công nghệ, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm với người lao động.

Trong đó, khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP giải thích các trường hợp được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ như sau:

  • Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
  • Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
  • Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

Với những trường hợp này, người sử dụng lao động phải:

1. Xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động

Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ:

Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.

Nếu có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

Do đó, việc làm đầu tiên mà doanh nghiệp phải thực hiện khi muốn cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại nhân sự đó là xây dựng phương án sử dụng lao động.

Theo đó, phương án sử dụng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau:

+ Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;

+ Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;

+ Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.

Xem thêm: Hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động

Lưu ý: Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Khi đã có phương án sử dụng lao động, doanh nghiệp phải tổ chức triển khai phương án này.

Sau dịch, doanh nghiệp phải làm gì để sắp xếp lại lao động?

Sau dịch, doanh nghiệp phải làm gì để sắp xếp lại lao động? (Ảnh minh họa)

2. Trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải thôi việc

Bên cạnh việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động, trong trường hợp không thể giải quyết việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì doanh nghiệp phải trả trợ cấp mất việc làm.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động 2012, chỉ những lao động làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc mới được khoản trợ cấp này.

Mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

Trong đó:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc.

Lưu ý: Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan, xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng những giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động.

>> Hướng dẫn nhận trợ cấp thất nghiệp do mất việc vì Covid-19

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục