Quyền lợi người lao động thay đổi thế nào theo Bộ luật Lao động mới?

Theo đánh giá của các nhà làm luật, Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận và bảo vệ nhiều hơn quyền lợi cho người lao động. Cùng LuatVietnam điểm lại những thay đổi đáng chú ý này.

1. Tăng tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu

Theo Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, để được hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng đủ điều kiện về số năm tham gia bảo hiểm cũng như tuổi đời. Trong đó:

- Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (không thay đổi so với hiện nay);

- Đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ (hiện nay nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).

Xem thêm: Infographic: Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ 2021 theo Bộ luật Lao động mới

2. Được bảo vệ bằng hợp đồng lao động trong nhiều trường hợp

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019:

Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

So với thực tế hiện nay, quy định này được đánh giá là điểm tiến bộ lớn trong việc bảo vệ người lao động, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp “lách luật” không ký hợp đồng để trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng như các trách nhiệm khác đối với người lao động.

Quyền lợi của người lao động theo Bộ luật Lao động mới

Quyền lợi của người lao động theo Bộ luật Lao động mới (Ảnh minh họa)

3. Không còn hợp đồng lao động thời vụ

Điều 20 Bộ luật Lao động mới quy định:

Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Có thể thấy, quy định này đã bỏ loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng nhằm đảm bảo hơn quyền lợi cho người lao động.

Bởi lẽ, cùng trường hợp hợp đồng hết hạn, hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới, người lao động vẫn tiếp tục làm việc trong 30 ngày thì hợp đồng thời vụ trước đây chuyển thành hợp đồng xác định thời hạn 24 tháng, trong khi đó, theo quy định mới, hợp đồng xác định thời hạn sẽ chuyển thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Nhờ vậy mà công việc của người lao động được duy trì ổn định hơn.

4. Được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do

Thay vì phải có lý do và tuân thủ nghiêm ngặt việc thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng thì tới đây, người lao động đã có thể nghỉ việc dễ dàng hơn.

Cụ thể Điều 35 Bộ luật nêu rõ:

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động:

- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 - 36 tháng;

- ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Xem chi tiết tại đây.

Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người lao động có được cơ hội việc làm tốt hơn, phù hợp với bản thân cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian bố trí, sắp xếp nhân sự thay thế.

5. Được nghỉ việc mà không cần báo trước

Ngoài việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do, một điều đặc biệt khác ở Bộ luật này là cho phép người lao động trong một số trường hợp được nghỉ việc mà không cần báo trước. Cụ thể đó là khi:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;

- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; bị cưỡng bức lao động;

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh;

- Đủ tuổi nghỉ hưu trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

6. Có thể ủy quyền cho người khác nhận lương

So với trước đây, Điều 94 của Bộ luật về nguyên tắc trả lương đã bổ sung thêm trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp. Lúc này, người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương thay cho mình.

Quy định này được đánh giá là thiết thực đối với người lao động, nhất là khi ốm đau, tai nạn… không thể trực tiếp nhận lương.

Bên cạnh đó, khi nhận lương, người lao động còn biết được chi tiết tiền lương của mình, bao gồm tiền lương chính, tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có) - một quy định đặc biệt có ý nghĩa với những lao động nhận lương theo sản phẩm, theo ngày công hoặc làm việc theo ca…

Nhiều quyền lợi của người lao động được bảo đảm hơn

Nhiều quyền lợi của người lao động được bảo đảm hơn (Ảnh minh họa)

7. Có thể được thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc hình thức khác

Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định việc thưởng cho người lao động là tiền và cụ thể là “tiền thưởng” thì Bộ luật Lao động 2019 đã thay “tiền thưởng” bằng “thưởng”.

Điều này đồng nghĩa với việc, sắp tới, rất có thể người lao động sẽ được nhận thưởng thông qua nhiều hình thức khác nhau như tiền, tài sản hoặc hình thức khác do người sử dụng lao động quyết định.

Xem thêm: 5 quy định mới về Lương - Thưởng tại Bộ luật Lao động 2019

8. Được nghỉ giữa giờ nhưng không tính vào giờ làm việc

Theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động sửa đổi:

Người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Điều đáng nói, điều khoản này đã bỏ nội dung “tính vào thời giờ làm việc”. Như vậy, sắp tới, thời gian nghỉ giữa giờ sẽ không được tính vào giờ làm việc và người lao động sẽ phải kéo dài thời gian làm việc trong ngày của mình thêm ít nhất 30 phút.

9. Có thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương

Theo đánh giá của các nhà làm luật, số ngày nghỉ của lao động Việt Nam khá thấp so với khu vực và thế giới. Chính vì vậy, khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động mới đã bổ sung thêm 01 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh 02/9 (có thể là ngày liền trước hoặc liền sau tùy theo từng năm).

Và như vậy, sắp tới, người lao động sẽ có 02 ngày nghỉ dịp Quốc khánh và nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm lên 11 ngày.

Ngoài ra, Bộ luật cũng đã thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương. Đó là khi cha nuôi, mẹ nuôi chết, người lao động được nghỉ 03 ngày.

10. Sa thải ngay với người quấy rối tình dục 

Điều 125 Bộ luật Lao động mới về việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đã bổ sung thêm hành vi “quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.

Trong đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Bằng quy định này, công việc cũng như quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo hơn khi bất cứ ai có hành vi quấy rối tình dục với người lao động đều bị sa thải. Đây có thể xem là điểm tiến bộ đáng chú ý của Bộ luật Lao động mới nhằm tạo cho người lao động có môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh.

11. Lao động nữ được ưu tiên giao kết hợp đồng

Bên cạnh các hình thức bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như trước đây như không bố trí làm đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa khi mang thai từ tháng thứ 07 hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi… thì một quyền lợi khác mà lao động nữ được hưởng theo Bộ luật Lao động 2019 đó là:

Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

Với những quy định mới tại Bộ luật Lao động sửa đổi, có thể thấy, quyền lợi của người lao động đã được bảo đảm hơn rất nhiều.

>> Tổng hợp toàn bộ điểm mới của Bộ luật Lao động 2019

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

5 Nghị định mới về tiền lương, 5 Bảng lương mới sắp được ban hành

5 Nghị định mới về tiền lương, 5 Bảng lương mới sắp được ban hành

5 Nghị định mới về tiền lương, 5 Bảng lương mới sắp được ban hành

Từ năm 2021, chế độ tiền lương mới dự kiến sẽ được áp dụng theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW. Để thực hiện chế độ tiền lương mới này, sẽ có nhiều Nghị định mới về tiền lương, Bảng lương mới được ban hành trong thời gian tới.