Cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp được hưởng những quyền lợi gì?

Quyền lợi của cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp liệu có đủ hấp dẫn để người lao động tham gia vào ban lãnh đạo công đoàn? Để biết cán bộ công đoàn được hưởng quyền lợi gì, cùng xem hết bài viết sau đây.

Khi tham gia vào ban lãnh đạo tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, ngoài các quyền lợi về lao động như bao người lao động khác, cán bộ công đoàn còn được nhận thêm một số đặc quyền sau đây:

1. Được hưởng thêm chế độ phụ cấp dành riêng cho cán bộ công đoàn

Căn cứ Quyết định số 5692/QĐ-TLĐ năm 2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp sẽ được trả thêm phụ cấp trách nhiệm.

Khoản tiền này được lấy từ số thu đoàn phí công đoàn để lại cho công đoàn cơ sở, và không dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo khoản 3 Điều 3 Quyết định 5692/QĐ-TLĐ, mức phụ cấp trách nhiệm được tính như sau:

- Khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước:

Phụ cấp trách nhiệm/tháng = Hệ số phụ cấp x Mức lương cơ sở

- Doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước:

Phụ cấp trách nhiệm/tháng = Hệ số phụ cấp x Mức lương tối thiểu vùng

Trong đó, hệ số phụ cấp trách nhiệm được quy định như sau:

- Chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp:

Số lượng đoàn viên công đoàn

Khu vực doanh nghiệp và CĐCS ngoài khu vực nhà nước

Khu vực hành chính sự nghiệp nhà nước

Dưới 50 đoàn viên

0,10

0,14

Từ 50 đến dưới 200 đoàn viên

0,20

0,28

Từ 200 đến dưới 500 đoàn viên

0,30

0,35

Từ 500 đến dưới 1.000 đoàn viên

0,40

0,45

Từ 1.000 đến dưới 2.500 đoàn viên

0,50

0,60

Từ 2.500 đến dưới 5.000 đoàn viên

0,60

0,80

Từ 5.000 đến dưới 10.000 đoàn viên

0,70

1,00

Từ 10.000 đến dưới 20.000 đoàn viên

0,80

-

Từ 20.000 đến dưới 30.000 đoàn viên

0,90

-

Từ 30.000 đoàn viên trở lên

1,00

-

- Phó chủ tịch công đoàn cơ sở; công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có):

Hệ số phụ cấp do ban chấp hành công đoàn cơ sở quy định căn cứ nguồn chi được duyệt.

- Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở, ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có):

Hệ số phụ cấp do ban chấp hành công đoàn cơ sở quy định căn cứ nguồn chi được duyệt.

- Tổ trưởng, tổ phó công đoàn:

Hệ số phụ cấp do ban chấp hành công đoàn cơ sở quy định căn cứ nguồn chi được duyệt.

Quyền lợi của cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp quy định thế nào?
Quyền lợi của cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp quy định thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Được đưa ra ý kiến đối với chế độ quyền lợi của người lao động

Theo Bộ luật Lao động hiện hành, ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đóng vai trò quan trọng trong rất nhiều vấn đề liên quan đến chế độ quyền lợi của người lao động.

Theo đó, các thành viên ban lãnh đạo tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp sẽ được tham gia vào hoạt động như:

- Được doanh nghiệp tham khảo ý kiến khi xây dựng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc.

- Trao đổi với doanh nghiệp về việc cho người lao động thôi việc trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

- Trao đổi với doanh nghiệp về phương án sử dụng lao động khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã

- Đại diện cho tập thể người lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể.

- Được lấy ý kiến về thỏa ước lao động tập thể.

- Được doanh nghiệp tham khảo ý kiến khi xây dựng thang, bảng lương, xây dựng quy chế thưởng.

- Tham gia cuộc họp xử lý kỷ luật người lao động…


3.  Không bị chấm dứt hợp đồng do hết hạn khi đang trong nhiệm kì

Căn cứ khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động sẽ không bị chấm dứt hiệu lực khi hết thời hạn nếu người lao động là cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp đang trong nhiệm kỳ.

Lúc này, theo khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động buộc phải gia hạn hợp đồng lao động đã ký với cán bộ công đoàn. Thời gian gia hạn ít nhất là đến hết nhiệm kỳ làm cán bộ công đoàn của người lao động đó.

Căn cứ khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động, khi gia hạn hợp đồng, doanh nghiệp và người lao động là cán bộ công đoàn phải ký hợp đồng lao động mới.

Hợp đồng này phải có thời hạn tối thiểu đến hết nhiệm kì cán bộ công đoàn của người lao động.

Nếu không gia hạn hợp đồng lao động với cán bộ công đoàn đang trong nhiệm kì, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Tham gia ban lãnh đạo công đoàn, người lao động nhận nhiều quyền lợi
Tham gia ban lãnh đạo công đoàn, người lao động nhận nhiều quyền lợi (Ảnh minh họa)

4. Khó có thể bị doanh nghiệp sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng

Theo Điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải người lao động là cán bộ công đoàn yêu cầu thủ tục phức tạp hơn rất nhiều so với những người lao động thông thường.

Do đó, người lao động là cán bộ công đoàn thường khó bị đuổi việc hoặc sa thải khi đang trong nhiệm kỳ do doanh nghiệp ngại thực hiện các thủ tục rườm rà.

Theo theo khoản 3 Điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019, khi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, ngoài thủ tục báo trước hoặc họp xử lý kỷ luật lao động, doanh nghiệp phải lập văn bản thỏa thuận với ban lãnh đạo của công đoàn doanh nghiệp.

Nếu không thỏa thuận được thì phải báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau 30 ngày sau, doanh nghiệp mới được ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn.

Trên đây là thông tin về các quyền lợi của cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài  1900.6192 để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục