Các quy định mới về tiền lương của người lao động

Như thông tin trước đó đã đưa, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động 2019, thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện nay. Rất nhiều quy định mới liên quan đến lương - thưởng của người lao động được đề cập đến trong Bộ luật này.

1 - Người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương

Tại Điều 94 về nguyên tắc trả lương đã bổ sung quy định:

“Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.

Trước đó nội dung này không được quy định tại Bộ luật Lao động 2012. Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương được cho là hợp lý, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương…


2 - Cấm ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của công ty

Đây cũng là một quy định mới được nêu tại Điều 94 của Bộ luật Lao động 2019. Theo đó:

- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;

- Không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

5 quy định mới về tiền lương theo Bộ luật Lao động 2019

5 quy định mới về tiền lương theo Bộ luật Lao động 2019​​ (Ảnh minh họa)


3 - Khi trả lương phải gửi bảng kê cho người lao động

Bộ luật Lao động mới yêu cầu mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương người lao động, trong đó ghi rõ:

- Tiền lương;

- Tiền lương làm thêm giờ;

- Tiền lương làm việc vào ban đêm;

- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…

Quy định mới này nhằm đảm bảo tính minh bạch khi trả lương cho người lao động, nhưng đồng thời thêm một phần việc cho bộ phận Nhân sự - Kế toán của doanh nghiệp khi đến mỗi kỳ trả lương.

Cũng liên quan đến vấn đề trả lương, Bộ luật này cũng bổ sung quy định trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể trả lương bằng ngoại tệ.


4 - Trả lương qua ngân hàng, công ty phải trả phí mở tài khoản

Nếu như trước đây, Bộ luật Lao động 2012 quy định khi trả lương qua tài khoản, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản (khoản 2 Điều 94).

Thì nay, tại khoản 2 Điều 96, Bộ luật mới bắt buộc người sử dụng lao động phải trả các phí liên quan đến mở và chuyển lương.


5 - Có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc hình thức khác

Tại Điều 104, Bộ luật mới quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật cũ.

Theo đó, thưởng có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Như vậy, Bộ luật mới đã mở rộng khái niệm “thưởng”, không chỉ bằng tiền mà bằng tài sản, hiện vật, các hình thức khác như chuyến du lịch, phiếu mua hàng… Điều này là phù hợp với thực tế tại các doanh nghiệp hiện nay.

Trên đây là 05 quy định mới về tiền lương theo Bộ luật Lao động 2019. Nếu có vướng mắc, bạn đọc có thể liên hệ: 1900.6192.

>> Tổng hợp điểm mới của Bộ luật Lao động sửa đổi 


Lan Vũ
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Quản trị nhân sự (HR) là lĩnh vực đòi hỏi người phụ trách phải liên tục cập nhật các quy định pháp luật nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Cùng LuatVietnam cập nhật Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR mới nhất (tính tới ngày 11/12/2024) tại bài viết dưới đây.