Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào?

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người lao động. Vậy những người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị xử lý thế nào?


1. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm những hành vi nào?

Theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Căn cứ khoản 1 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng sau:

- Trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích liên quan đến công việc;

- Hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Trong đó, khoản 2 Điều 84 cũng đã liệt kê những hành vi được cho là quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:

2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

c)  Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Xem thêm: Những hành vi bị coi là quấy rối tình dục nơi làm việc 


2. Người có hành vi quấy rối tình dục bị doanh nghiệp xử trí thế nào?

Theo Điều 118 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động buộc phải quy định các nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trình tự, thủ tục xử lý các hành vi này vào nội quy lao động.

Trong đó, doanh nghiệp sẽ phải quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc cùng hình thức xử lý kỷ luật đối với người thực hiện hành vi đó (căn cứ khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Như vậy, nếu có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đối với người khác, người lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hình thức xử lý đã được quy định trong nội quy lao động.

Đặc biệt, người thực hiện hành vi này còn có thể phải đối mặt với hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất là sa thải bởi khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định:

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

Lưu ý: Trường hợp người thực hiện hành vi quấy rối tình dục chính là người sử dụng lao động thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước theo điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động.


3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Hành vi quấy rối tình dục không chỉ bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động mà còn bị cấm ở các các lĩnh vực khác. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà người thực hiện có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Về phạt hành chính:

Thông thường, người có hành vi quấy rối tình dục chỉ bị phạt vi phạm hành chính theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

Có thể thấy mức phạt hành chính được đặt ra là khá nhẹ chỉ với 100.000 - 300.000 đồng.

* Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Việc xử lý hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc hiện chưa được Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể.

Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự với mức phạt từ cảnh cáo đến 05 năm tù.

Trên đây là thông tin liên quan đến việc xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nếu gặp phải trường hợp nói trên hoặc có thắc mắc pháp luật liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Sàm sỡ đồng nghiệp sẽ bị đuổi việc ngay!

>> Đề xuất sàm sỡ người khác bị phạt đến 8 triệu đồng

>> Làm thể nào để đối phó hành vi quấy rối nơi công sở?
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu báo cáo kế hoạch thưởng Tết năm 2025

Báo cáo kế hoạch thưởng Tết là một trong những nội dung công việc không thể thiếu vào thời điểm cuối năm. Dưới đây là Mẫu báo cáo kế hoạch thưởng tết mới nhất năm 2025.

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Quản trị nhân sự (HR) là lĩnh vực đòi hỏi người phụ trách phải liên tục cập nhật các quy định pháp luật nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Cùng LuatVietnam cập nhật Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR mới nhất (tính tới ngày 11/12/2024) tại bài viết dưới đây.

Ghi nhanh Webinar: Xử lý kỷ luật lao động trong doanh nghiệp

Xử lý kỷ luật lao động là vấn về vô cùng quan trọng trong mỗi doanh nghiệp. Cùng cập nhật ngay một số nội dung tại Webinar ngày 04/12/2024 về Xử lý kỷ luật lao động trong doanh nghiệp do LuatVietnam tổ chức với sự tham gia của Diễn giả là Luật sư Nguyễn Văn Thành.