2 phương án về lương tối thiểu vùng năm 2021

Theo thông lệ, cuối tháng 6 hàng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp để bàn về lương tối thiểu cho năm tiếp theo. Và sáng nay (23/6), cuộc họp này đã diễn ra.

Trước hậu quả nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cả người lao động và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn, có nơi khó khăn gay gắt. Chính vì vậy, việc thương lượng về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động năm nay có khác so với những năm trước.

Theo đó, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 02 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021:

Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).

Phương án 2: Từ 01/7/2021 (lùi 06 tháng so với các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).

Nếu thực hiện phương án này, mức tăng dao động từ 80.000 đến 110.000 đồng, tương ứng từ vùng I đến IV lần lượt là 4,53 triệu; 4,02 triệu; 3,52 triệu và 3,15 triệu đồng.

2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2021 (Ảnh minh họa)

Hiện nay, theo Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 như sau:

- Mức 4,42 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I;

- Mức 3,92 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II;

- Mức 3,43 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III;

- Mức 3,07 triệu đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV.

Được biết, để đi đến thống nhất về phương án về lương tối thiểu vùng năm 2021, Hội đồng Tiền lương quốc gia còn họp thêm. LuatVietnam sẽ tiếp tục cập nhật về thông tin này.

Trước đó, Quốc hội đã nhất trí chưa tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng từ ngày 01/7/2020.

Có thể hiểu đơn giản, lương cơ sở là mức lương dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan Nhà nước để tính lương, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ khác.

Còn lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

Theo đó, việc không tăng lương cơ sở không đồng nghĩa với việc không tăng lương tối thiểu vùng.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục