Phạt tiền đi làm muộn, “ông chủ” bị phạt đến 15 triệu đồng

Trong môi trường lao động chuyên nghiệp và tốc độ hiện nay thì việc nhân viên đi muộn là điều khó có thể chấp nhận. Và cũng không ít doanh nghiệp đang xử lý vấn đề này bằng cách phạt tiền.

Phạt tiền nhân viên đi làm muộn là trái luật

Theo Điều 125 Bộ luật Lao động 2012, có 04 hình thức xử lý kỷ luật mà doanh nghiệp được áp dụng đối với người lao động vi phạm nội quy lao động:

- Khiển trách;

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;

- Cách chức;

- Sa thải.

Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà doanh nghiệp sẽ quyết định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Đặc biệt lưu ý, chỉ được áp dụng 01 hình thức xử lý kỷ luật đối với 01 hành vi vi phạm; trường hợp cùng lúc có nhiều hành vi vi phạm thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

Đồng thời, cũng theo Bộ luật này, tại Điều 128, có 03 hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động. Cụ thể:

- Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

- Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

- Xử lý kỷ luật đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.

Căn cứ các quy định này, nếu doanh nghiệp áp dụng hình thức phạt tiền đối với nhân viên đi làm muộn thì được coi là hành vi trái pháp luật.

Phạt tiền nhân viên đi làm muộn là hành vi trái luật

Phạt tiền nhân viên đi làm muộn là hành vi trái luật (Ảnh minh họa)

Nếu nhân viên bị phạt, “ông chủ” cũng bị phạt

Hầu hết những người quản lý doanh nghiệp đều có suy nghĩ “đánh vào tiền” thì người lao động mới sợ, mới có thể nghiêm túc tuân thủ nề nếp, trật tự. Tuy nhiên, như đã phân tích, đây là hành vi trái pháp luật.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

Đồng thời, phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động (khoản 12 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP).

Do đó, nếu có nhân viên đi làm muộn thì doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn phương án xử lý khác thay vì việc phạt tiền.

Cách để nhân viên đi làm đúng giờ

Không thể phủ nhận, ai cũng từng một lần muộn làm vì những lý do ngoài ý muốn như hỏng xe, tắc đường… Nhưng bên cạnh đó cũng không ít người lại đi làm muộn như một thói quen.

Có nhiều cách khác nhau để “ông chủ” có thể cải thiện tình trạng này. Đơn cử như:

Tìm hiểu rõ lý do và nhắc nhở

Đây là cách xử lý đơn giản và nhẹ nhàng nhất. Cũng như các vấn đề khác, việc đầu tiên cần phải làm là tìm hiểu rõ lý do đi muộn của nhân viên, lắng nghe chia sẻ và tìm cách xử lý.

Dù không phải lúc nào nhân viên cũng có lý do chính đáng và khách quan nhưng chắc chắn khi được chia sẻ, họ sẽ cảm thấy được cảm thông, trân trọng, sẽ cố gắng khắc phục thay vì có ác cảm, bực tức khi bị trách mắng hay trừng phạt.

Với những người lặp đi lặp lại vi phạm này thì “ông chủ” nên “cao tay” hơn bằng việc nhắc nhở trực tiếp, thậm chí tại bảng tin doanh nghiệp hay các cuộc họp nội bộ. Chắc hẳn ai cũng sẽ xấu hổ khi thường xuyên bị nêu tên như vậy.

Có khen, có thưởng

Đây lại là chính sách khuyến khích, động viên những nhân viên có tinh thần tự giác, chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc làm việc.

Không thể đánh đồng nhân viên nào cũng như nhau mà doanh nghiệp nên có sự phân loại rõ ràng (xuất sắc, tốt, khá, trung bình, kém). Và đương nhiên, bằng kết quả phân loại này, những nhân viên ưu tú sẽ được khen thưởng xứng đáng.

Ngược lại, những người yếu kém chắc chắn sẽ phải tìm cách phấn đấu nếu không muốn suốt quãng thời gian làm việc đều dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi so với đồng nghiệp.

Có như vậy mới có thể tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa đến các nhân viên khác, xây dựng được văn hóa đảm bảo tính kỷ luật.

Xử lý kỷ luật thích đáng

Nếu như mọi biện pháp đều không có tác dụng với những “thánh muộn” thì xử lý kỷ luật là biện pháp thực sự cần thiết.

Như đã phân tích, có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động từ thấp đến cao mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để xử lý tùy theo mức độ chây ỳ của nhân viên.

Tuy nhiên, phải lưu ý, nếu muốn xử lý kỷ luật lao động thì buộc hành vi vi phạm này với mức xử lý phải được quy định chi tiết trong nội quy lao động của doanh nghiệp.

>> Khi nào doanh nghiệp được trừ lương của người lao động?

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Cách tính lương hưu đối với người đi xuất khẩu lao động

Cách tính lương hưu đối với người đi xuất khẩu lao động

Cách tính lương hưu đối với người đi xuất khẩu lao động

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 đã bổ sung quy định quan trọng để ghi nhận quá trình làm việc, thời gian đóng BHXH ở nước ngoài của người đi xuất khẩu lao động để xét lương hưu ở Việt Nam. Cùng LuatVietnam tìm hiểu ngay cách tính lương hưu đối với người đi xuất khẩu lao động từ 01/7/2025 tới đây.