Chỉ cách doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật

Để hạn chế tối đa những bất lợi khi đuổi việc người lao động, doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật. Dưới đây là cách giúp doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.


1/ Đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp

Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019, trong một số trường hợp sau, doanh nghiệp được đương nhiên chấm dứt hợp đồng với người lao động mà không cần thực hiện bất cứ thủ tục nào. Cụ thể đó là:

- Hết hạn hợp đồng lao động đã ký.

- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết.

- Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Người lao động nước ngoài bị trục xuất.

- Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

- Giấy phép lao động hết hiệu lực.


2/ Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Do đó, pháp luật cũng tôn trọng ý chí của các bên trong việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Bởi vậy, khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 đã ghi nhận trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo sự thỏa thuận của các bên. Đây được coi là ôn hòa nhất khi mà cả 2 bên đều đồng ý với việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Nhờ đó mà doanh nghiệp vừa có thể chấm dứt hợp đồng theo mong muốn và người lao động cũng vui vẻ chấp nhận ra đi. 

Người sử dụng chấm dứt hợp đồng lao động theo cách nào? (Ảnh minh họa)


3/ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp

Ngoài các cách trên, doanh nghiệp cũng có thể chọn cách đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Cũng cần lưu ý rằng, người sử dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019.

* Chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì các lý do sau:

1 - Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.

2 - Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị trong thời gian nhất định mà khả năng lao động chưa thể hồi phục.

3 - Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn bắt buộc phải giảm chỗ làm việc.

4 - Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động.

5 - Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ có thỏa thuận khác.

6 - Người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục.

7 - Người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết hợp đồng làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng.

* Thủ tục khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

- Phải báo trước cho người lao động biết nếu chấm dứt hợp đồng vì lí do (1), (2), (3), (5), (7):

Công việc bình thường:

+ Ít nhất 45 ngày: Hợp đồng lao động không thời hạn.

+ Ít nhất 30 ngày: Hợp đồng có thời hạn từ 12 - 36 tháng.

+ Ít nhất 03 ngày làm việc: Hợp đồng lao động dưới 12 tháng và trường hợp (2).

Công việc đặc thù như thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên bảo dưỡng tàu bay, khai thác bay,…:

+ Ít nhất 120 ngày: Hợp đồng lao động không thời hạn hoặc hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên.

+ Ít nhất bằng ¼ thời hạn của hợp đồng: Hợp đồng lao động dưới 12 tháng.

- Không phải báo trước nếu vì lý do (4) và (6).

Căn cứ: Khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.


4/ Chấm dứt hợp đồng do thay đổi cơ cấu, công nghệ, lý do kinh tế

Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019 đã hướng dẫn về thay đổi cơ cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế như sau:

1. Những trường hợp sau đây được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ:

a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

b) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

c) Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.

2. Những trường hợp sau đây được coi là vì lý do kinh tế:

a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;

b) Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

* Thủ tục trước khi chấm dứt hợp đồng lao động:

- Doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định.

- Chỉ được cho người lao động nghỉ việc sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân tỉnh và người lao động. 

Có mấy cách để người sử dụng chấm dứt hợp đồng lao động? (Ảnh minh họa)


5/ Chấm dứt hợp đồng do khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

Căn cứ Điều 43 Bộ luật Lao động, lý do để chấm dứt hợp đồng gồm: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã

* Thủ tục trước khi chấm dứt hợp đồng lao động: Doanh nghiệp phải xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định.


6/ Chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian thử việc

Theo quy định mới tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, người lao động và người sử dụng lao động khi có thỏa thuận về việc làm thử có thể ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động.

Trong thời gian thử việc, doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động này mà không cần báo trước mà vẫn coi là hợp pháp (theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2019).

Trường hợp đã kết thúc thời gian thử việc mà không đạt, doanh nghiệp cũng được phép chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động thử việc.

Trên đây là toàn bộ các cách giúp người sử dụng chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật. Nếu có khó khăn hay vướng mắc đối với vấn đề này, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Mức bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục