Với chính sách mở cửa, những năm gần đây, lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam càng đông. Tuy nhiên, liệu những người không bằng cấp có nằm trong số này?
Điều kiện để lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Thực hiện chính sách mở cửa nhằm thu hút nhân lực nước ngoài nhưng không đồng nghĩa với việc ồ ạt đưa lao động nước ngoài vào thị trường Việt Nam, chính vì vậy, chỉ những người đáp ứng đủ 04 điều kiện theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 10/2012/QH13 mới được vào Việt Nam làm việc:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
- Không phải người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
- Có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước Việt Nam cấp, trừ một số trường hợp được miễn giấy phép.
(Điều 169 Bộ luật Lao động 2012)
Đây là những điều kiện cơ bản để Việt Nam tiếp nhận lao động nước ngoài. Do vậy, dù thiếu bất cứ điều kiện nào thì người nước ngoài cũng khó có thể vào làm việc tại Việt Nam.
Người nước ngoài không bằng cấp có được làm việc tại Việt Nam? (Ảnh minh họa)
Người nước ngoài không bằng cấp được làm việc tại Việt Nam?
Điều 170 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động nước ngoài vào làm quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.
Trong đó:
- Người quản lý là người có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết các giao dịch theo Điều lệ của công ty (Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị,…) hoặc người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.
- Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Chuyên gia là người có văn bản xác nhận là chuyên gia do tổ chức nước ngoài cấp hoặc có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo.
- Lao động kỹ thuật là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác tối thiểu 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo.
(Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP)
Căn cứ các quy định nêu trên, có thể thấy, pháp luật Việt Nam không bắt buộc mọi vị trí công việc lao động nước ngoài đều phải có bằng cấp (văn bản do cơ sở giáo dục cấp) mà có thể sử dụng các loại giấy tờ khác như giấy xác nhận, hợp đồng lao động, quyết định bổ nhiệm,…
Thùy Linh