4 lưu ý khi người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng

Thực tế, trong quá trình làm việc, người lao động có thể vì nhiều lý do mà nghỉ một vài ngày hoặc nhiều ngày trong tháng. Số ngày nghỉ này sẽ ảnh hưởng tới nhiều hoạt động của doanh nghiệp, đơn cử như việc đóng bảo hiểm xã hội.

Người lao động nghỉ phép năm

Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ phép năm và hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động với thời gian:

  • Tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc nếu làm việc dưới 12 tháng;
  • 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
  • 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
  • 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đáng chú ý, người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ phép năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có nêu:

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH đó.

Đối chiếu quy định này, có thể thấy, việc người lao động nghỉ phép năm không ảnh hưởng tới việc đóng BHXH, dù người lao động có nghỉ nhiều ngày trong cùng một lần.

Xem thêm: Chế độ nghỉ phép năm và cách tính lương ngày phép

Người lao động nghỉ việc riêng

Cũng theo Bộ luật Lao động 2019, cụ thể Điều 115, người lao động được:

* Nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp:

  • Kết hôn: Nghỉ 03 ngày;
  • Con đẻ, con nuôi kết hôn: Nghỉ 01 ngày;
  • Bố/mẹ đẻ, bố/mẹ nuôi, bố/mẹ đẻ hoặc bố/mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết; vợ/chồng chết; con đẻ, con nuôi chết: Nghỉ 03 ngày.

* Nghỉ việc riêng mà không hưởng lương:

  • Ông/bà nội, ông/bà ngoại, anh/chị/em ruột chết; bố/mẹ kết hôn; anh/chị/em ruột kết hôn: Nghỉ 01 ngày;
  • Trường hợp khác: Theo thỏa thuận.

Cũng căn cứ theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Như vậy, với những lao động không làm việc và không hưởng tiền lương dưới 14 ngày thì doanh nghiệp vẫn phải đóng BHXH như thường lệ. Ngược lại, với những lao động không làm việc và không hưởng tiền lương trên 14 ngày, doanh nghiệp không phải đóng BHXH cho người lao động trong thời gian này.

4 lưu ý khi người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng

4 lưu ý khi người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng (Ảnh minh họa)

Người lao động nghỉ ốm đau

Trường hợp không may bị ốm đau, bệnh tật, theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động được nghỉ chế độ ốm đau:

  • 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
  • 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - 30 năm;
  • 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Trường hợp làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được nghỉ thêm 10 ngày tương ứng với từng trường hợp nêu trên.

Ngoài ra, người lao động còn được nghỉ trên 180 ngày nếu mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

Theo khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.

Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý, khi người lao động nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó.

Người lao động nghỉ thai sản

Riêng với trường hợp nghỉ thai sản, số ngày nghỉ của người lao động sẽ khác nhau. Cụ thể:

  • Nghỉ khám thai: Tối đa 10 ngày;
  • Nghỉ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý: Tối đa 50 ngày;
  • Nghỉ sinh con: Ít nhất 04 tháng với lao động nữ; tối đa 14 ngày với lao động nam;
  • Nghỉ khi thực hiện biện pháp tránh thai: Tối đa 15 ngày.

Xem chi tiết tại đây.

Đối với những lao động này, việc đóng BHXH thực hiện theo khoản 6 Điều 42 Quyết định 595 như sau:

Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.

Do vậy, khi người lao động nghỉ chế độ thai sản trên 14 ngày làm việc trong tháng, doanh nghiệp cũng không phải đóng BHXH.

Một việc quan trọng khác khi người lao động nghỉ trên 14 ngày, đó là doanh nghiệp phải báo giảm lao động với cơ quan BHXH. Chi tiết thủ tục này như thế nào, xem tại đây:

>> Báo tăng, giảm lao động: 5 điều doanh nghiệp cần lưu ý

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục