Người lao động mất gì khi nghỉ ngang?

Nghỉ ngang, tự ý bỏ việc là những cách gọi khác của hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Dù đạt được mục đích của mình nhưng những thiệt thòi mà người lao động phải chịu cũng không nhỏ.

Thực tế, hành vi tự ý nghỉ việc của người lao động thường thể hiện dưới dạng nghỉ việc nhưng không thông báo hoặc có thông báo nhưng không đáp ứng đủ số ngày báo trước tối thiểu.

Và theo pháp luật hiện hành, việc làm này ảnh hưởng lớn tới số tiền “đáng lẽ” người lao động được nhận. Cụ thể:

Không được nhận trợ cấp thôi việc

Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ:

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Trong đó:

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Với nhiều năm làm việc, số tiền này không phải ít. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 43 Bộ luật này, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động sẽ không được nhận khoản trợ cấp này.

Không được nhận trợ cấp thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ 04 điều kiện dưới đây:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt trái pháp luật, đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn; trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư…

Với quy định này có thể thấy, người lao động nghỉ ngang là người không đáp ứng được điều kiện theo quy định. Do đó, sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Xem chi tiết tại đây.

Người lao động mất gì khi nghỉ ngang?

Người lao động mất gì khi nghỉ ngang? (Ảnh minh họa)

Phải bồi thường cho người sử dụng lao động

Để bù đắp tổn thất cho người sử dụng lao động, Điều 43 Bộ luật Lao động hiện hành quy định nghĩa vụ bồi thường của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trái luật như sau:

- Bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trong mọi trường hợp;

- Bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước. Trong đó, thời hạn báo trước:

+ Ít nhất 03 ngày làm việc khi không được bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc điều kiện làm việc đã thỏa thuận; không được trả lương đầy đủ hoặc trả không đúng hạn đã thỏa thuận; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động…

+ Ít nhất 30 ngày với người làm theo hợp đồng xác định thời hạn;

+ Ít nhất 45 ngày với người làm theo hợp đồng không xác định thời hạn.

Phải trả lại chi phí đào tạo

Khoản tiền này chỉ áp dụng với người lao động được người sử dụng lao động đào tạo hoặc cử đi đào tạo trong quá trình làm việc.

Số tiền phải trả lại là tổng số tiền của các chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian đi học.

Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

>> Tự ý nghỉ việc có lấy lại được sổ bảo hiểm xã hội không?

Thùy Linh
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Quản trị nhân sự (HR) là lĩnh vực đòi hỏi người phụ trách phải liên tục cập nhật các quy định pháp luật nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Cùng LuatVietnam cập nhật Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR mới nhất (tính tới ngày 11/12/2024) tại bài viết dưới đây.