Lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh thành thay đổi thế nào?

Lương và các chế độ sau khi sắp xếp bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính là một trong những nội dung đặc biệt được quan tâm. Bài viết dưới đây LuatVietnam sẽ thông tin về lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh, thành.

Lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh thành thay đổi thế nào?

Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 15 dự thảo Nghị quyết đã đề xuất quy định về việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính (ĐVHC) mới sau sắp xếp.

(1) Khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã mà làm thay đổi tên gọi, địa giới đơn vị hành chính cấp xã, phạm vi thôn, tổ dân phố thì việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù được thực hiện như sau:

- Người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù như thời điểm trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền;

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

(2) Đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thôn, tổ dân phố có thay đổi tên gọi sau khi thực hiện sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thôn, tổ dân phố để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.

Như vậy, theo đề xuất của Bộ Nội vụ tại Nghị quyết thì dự kiến mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng hiện nay sẽ tạm thời giữ nguyên sau sáp nhập tỉnh thành đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Có nghĩa, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về mức lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh. LuatVietnam sẽ tiếp tục cập nhật ngay khi có văn bản chính thức được ban hành.

Hiện nay, Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động như sau:

Vùng I: 4.960.000 đồng/tháng; Vùng 2: 4.410.000 đồng/tháng; Vùng 3: 3.860.000 đồng/tháng; Vùng 4: 3.450.000 đồng/tháng.

Lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh thành thế nào?
Nhiều người quan tâm đến mức lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh thành (Ảnh minh họa)

Dự kiến từ 01/9/2025 sẽ vận hành đơn vị cấp tỉnh sau sáp nhập

Theo lộ trình sáp nhập tỉnh thành và sáp nhập xã mới nhất tại Công văn 43-CV/BCĐ ngày 20/3/2025 thì dự kiến từ ngày 01/7/2025 sẽ vận hành đơn vị cấp xã theo tổ chức mới và từ 01/9/2025 sẽ vận hành đơn vị cấp tỉnh mới sau sáp nhập.

Điều 1 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 cũng đã đề xuất tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo; bỏ thị trấn.

Do vậy, dự kiến từ 01/7/2025, nước ta sẽ vận hành mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (tỉnh, cơ sở) thay vì 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) như hiện nay.

Đề xuất bảo lưu lương cán bộ, công chức 6 tháng sau sáp nhập tỉnh, thành

Điều 13 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quy định về số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan.

Trong đó, đáng chú ý là đề xuất bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được bố trí làm việc tại ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã mới trong thời gian 06 tháng. Sau thời hạn bảo lưu, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều luật này của dự thảo cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

* Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp được đề xuất như sau:

Tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp và số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới.

* Về số lượng lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cấp tỉnh mới sau sắp xếp:

Tối đa không vượt quá tổng số lãnh đạo, quản lý có mặt của các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cấp tỉnh trước sắp xếp. Số lượng lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cấp xã mới thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp cơ bản theo quy định.

Trên đây là thông tin Lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh thành thay đổi thế nào?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Bài viết đã giải quyết được vấn đề của bạn chưa?
Rồi Chưa
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục