Dù biết làm việc nặng nhọc, độc hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhưng nhiều lao động vẫn lựa chọn làm những công việc này. Và để công bằng, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về mức lương của họ?
Hơn 500 công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Tính đến thời điểm hiện tại, có khá nhiều văn bản pháp luật quy định chi tiết những công việc được coi là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Có thể kể đến như:
- Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016;
- Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012;
- Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003;
- Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/12/2000;
- Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 03/3/1999;
- Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996;
- Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996;
- Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995.
Theo đó, các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bao gồm:
- Tuần đường, tuần cầu;
- Sửa chữa, bảo dưỡng, duy tu cầu, đường sắt;
- Khai thác, phát hành báo chí tại trung tâm (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh);
- Nấu thủy tinh;
- Nung men;
- Đứng máy dệt thoi;
- Công nhân quản lý đường thủy nội địa…
Làm việc nặng nhọc, độc hại được trả lương thế nào? (Ảnh minh họa)
Lương của người làm việc nặng nhọc, độc hại
Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP, mức lương thấp nhất của người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Ngoài ra, với người làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) thì mức lương thấp nhất cũng phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Ví dụ mức lương thấp nhất của người làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm năm 2020:
Đơn vị tính: đồng/tháng
Vùng | Không qua đào tạo | Đã qua đào tạo | ||
Làm việc trong điều kiện bình thường | Làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm | Làm việc trong điều kiện bình thường | Làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm | |
Vùng I | 4.420.000 | 4.641.000 | 4.729.400 | 4.965.870 |
Vùng II | 3.920.000 | 4.116.000 | 4.194.400 | 4.404.120 |
Vùng III | 3.430.000 | 3.601.500 | 3.670.100 | 3.853.605 |
Vùng IV | 3.070.000 | 3.223.500 | 3.284.900 | 3.449.145 |
Xem thêm: Bảng tra cứu lương tối thiểu vùng năm 2020 trên cả nước
Trên đây là những thông tin liên quan đến tiền lương của người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại. Ngoài tiền lương này, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm cho người lao động một khoản tiền được gọi là phụ cấp độc hại.
>> Cách tính phụ cấp độc hại mới nhất năm 2020
Thùy Linh