Theo lịch làm việc, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ 21/10 - 27/11/2019. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành hơn 60% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó, sẽ xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng.
1. Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Đây là dự án luật được nhiều người trông chờ nhất, khi thay đổi khá nhiều nội dung ảnh hưởng lớn tới người lao động như tăng tuổi nghỉ hưu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ…
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có 17 chương, 220 điều và sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 20/11/2019.
Xem thêm: Infographic: 5 điểm mới nổi bật của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Bên cạnh Bộ luật Lao động thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng được nhiều người quan tâm.
Theo dự kiến, dự án luật này sẽ được biểu quyết vào chiều 25/11/2019.
Nếu được thông qua thì thời gian tới, hàng loạt viên chức sẽ phải ký hợp đồng xác định thời hạn, trường hợp tập sự không đạt yêu cầu có thể bị đơn phương chấm dứt hợp đồng… hay sẽ không còn chế độ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng như không khống chế ngạch công chức như hiện tại mà thay vào đó là các ngạch, thứ bậc của từng ngạch gắn với vị trí việc làm…
Xem thêm: Dự thảo Luật Viên chức sửa đổi có gì mới?
3. Luật Dự bị động viên (sửa đổi)
Dự thảo Luật Dự bị động viên gồm 5 chương, 41 điều, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, biên chế, chế độ, chính sách của lực lượng dự bị động viên; các trường hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật dự bị động viên…
Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào chiều 22/11/2019 và thay thế cho Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên 1996.
Nhiều luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 (Ảnh minh họa)
4. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Cũng trong chiều 22/11, Quốc hội sẽ cho ý kiến, biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Luật này quy định chi tiết các giấy tờ xuất nhập cảnh cũng như thời hạn sử dụng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; các trường hợp chưa được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hay hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu…
5. Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)
Dự thảo Luật Dân quân tự vệ gồm 8 chương, 50 điều, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về nghĩa vụ dân quân tự vệ; các trường hợp được miễn, tạm hoãn; chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ…
Luật này sẽ được Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua vào chiều 26/11.
6. Luật Chứng khoán (sửa đổi)
Cùng chiều 26/11, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi), thay thế Luật Chứng khoán 2006.
Đáng chú ý ở dự án luật này là những quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng như vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên mới được chào bán cổ phiếu lần đầu hay 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu; công ty đại chúng phải có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng…
7. Luật Thư viện
Lần đầu tiên hoạt động thư viện được ghi nhận thành một đạo luật trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Dự kiến, đạo luật này sẽ được thông qua vào chiều 21/11.
Dự thảo Luật Thư viện gồm 7 chương, 51 điều quy định điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ của thư viện, người sử dụng thư viện cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dự kiến thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi)… và một số Nghị quyết khác.
>> 12 Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV
Thùy Linh