Có rất nhiều lý do để doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động. Trong đó, có 2 lý do có thể khiến người lao động có thể bị đuổi việc luôn mà không được báo trước.
2 trường hợp nhân viên bị đuổi việc ngay tức khắc
Khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 đã quy định rất rõ:
3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.
Theo đó, có 02 trường hợp doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động mà không cần báo trước, đó là:
1 - Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Căn cứ Điều 30 Bộ luật Lao động, các bên có thể tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
- Người lao động đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ dân quân tự vệ;
- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam;
- Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;
- Lao động nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi…
Xem thêm: Các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động
Sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng bởi các lý do nói trên, người lao động phải quay trở lại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Nếu không thực hiện đúng quy định này, người lao động có thể bị người sử dụng lao động đuổi việc luôn mà không cần báo trước.
2 - Người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên
Theo quy định tại Điều 125 BLLĐ 2019, trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Do đó, nếu không thuộc các trường hợp trên mà người lao động tự nghỉ việc từ 05 ngày làm việc liên tục thì doanh nghiệp hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng với người lao động đó ngay lập tức.
Người lao động bị “đuổi việc” ngay có được thanh toán lương?
Theo quy định hiện hành, trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp. Do đó, dù bị doanh nghiệp đuổi việc nhưng người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi sau:
1 - Tiền lương cho những ngày làm việc chưa được thanh toán
Theo nguyên tắc trả lương, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động. Do đó, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm phải trả đủ tiền lương theo thời gian, lượng công việc mà người lao động đã thực hiện mà chưa được thanh toán.
Căn cứ Điều 48 BLLĐ năm 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động (trong đó có tiền lương).
Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày như: doanh nghiệp chấm dứt hoạt động; thay đổi cơ cấu, công nghệ,…
2 - Tiền trợ cấp thôi việc
Căn cứ Điều 46 BLLĐ năm 2019, người lao động rơi vào trường hợp bị đuổi việc ngay cũng được hưởng trợ cấp thôi việc nếu làm việc cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
Tiền trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo công thức sau:
Tiền trợ cấp thôi việc | = | 1/2 | x | Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc | x | Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc |
Trong đó:
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Xem thêm: Hướng dẫn cách tính trợ cấp thôi việc mới nhất
3 - Tiền phép năm chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết
Căn cứ Điều 113 BLLĐ năm 2019, tùy vào từng người lao động và điều kiện làm việc, thời gian nghỉ phép năm của mỗi người là khoảng 12 - 16 ngày.
Trường hợp người lao động chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết mà phải nghỉ việc thì có thể được thanh toán tiền nghỉ phép năm theo khoản 3 Điều 113 BLLĐ 2019 như sau:
Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Như vậy, cùng với tiền lương, khi bị đuổi việc ngay, người lao động cũng được nhận tiền phép năm chưa nghỉ hết.
Xem thêm: Quy định mới nhất về thanh toán tiền phép năm
4 - Được chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả lại một số giấy tờ
Theo khoản 3 Điều 48 BLLĐ năm 2019, ngoài lương và các khoản tiền khác, người lao động bị đuổi việc trong các trường hợp này cũng được doanh nghiệp đóng đủ bảo hiểm, hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác.
Đây là thủ tục rất quan trọng mà người sử dụng lao động buộc phải tiến hành. Chỉ khi thực hiện xong thủ tục này, người lao động mới có sơ sở để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc.
Xem thêm: Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trên đây là thông tin về các lỗi vi phạm khiến người lao động bị đuổi việc ngay tức khắc. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Khi nào công ty được đơn phương chấm dứt HĐLĐ?
>> Những khoản tiền được nhận khi nghỉ việc năm 2021
>> Bị đuổi việc vô lý, người lao động nên làm gì để đòi quyền lợi?