- 1. Ngày 02/11: Thông báo tình hình biến động lao động tháng 10
- 2. Ngày 20/11: Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân tháng 10
- 3. Ngày 30/11: Trích nộp tiền bảo hiểm, công đoàn, báo cáo phòng cháy chữa cháy
- 3.1. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn tháng 11
- 3.2. Thống kê, báo cáo công tác quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy
1. Ngày 02/11: Thông báo tình hình biến động lao động tháng 10
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16 và khoản 3 Điều 20 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH:
Trước ngày 03 hàng tháng, người sử dụng lao động phải gửi Thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH tới Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Như vậy, hạn cuối thông báo tình hình biến động lao động tháng 10 (nếu có) của doanh nghiệp là ngày 02/11.
Doanh nghiệp không thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị có thể bị xử phạt từ 04 - 08 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 3 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
2. Ngày 20/11: Nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân tháng 10
Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019, doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng, tờ khai thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng.
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ.
Trường hợp doanh nghiệp nộp chậm hồ sơ kê khai thuế có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 5, điểm a khoản 4 Điều 7, Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP với mức phạt cao nhất lên đến 25 triệu đồng.
3. Ngày 30/11: Trích nộp tiền bảo hiểm, công đoàn, báo cáo phòng cháy chữa cháy
3.1. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn tháng 11
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp trích tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT) từ quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc đồng thời, trích từ tiền lương tháng đóng BHXH của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ.
Tỷ lệ trích đóng các loại bảo hiểm hiện nay, như sau:
Trách nhiệm đóng | Mức trích đóng | |||
BHXH (bao gồm 0.5% Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) | BHYT | BHTN | Tổng cộng | |
Doanh nghiệp | 17.5% | 3% | 1% | 21.5% |
Người lao động | 8% | 1.5% | 1% | 10.5% |
Cùng với việc trích đóng các loại bảo hiểm, doanh nghiệp cũng thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn. Mức đóng kinh phí công đoàn là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trường hợp doanh nghiệp chậm đóng, đóng không đủ hoặc không đóng các loại bảo hiểm và kinh phí công đoàn, tuỳ vào từng hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 6, Điều 38, Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức phạt cao nhất lên đến 150 triệu đồng.Căn cứ pháp lý:
- Điều 7, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 22, Điều 37 Quyết định 595/QĐ-BHXH
- Khoản 5 Điều 2 Quyết định 490/QĐ-BHXH
- Khoản 7, khoản 9 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014
- Điều 85, Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
- Điều 44, Điều 57, Điều 58 Luật Việc làm năm 2013
3.2. Thống kê, báo cáo công tác quản lý phương tiện phòng cháy, chữa cháy
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 17/2021/TT-BCA, định kỳ vào cuối tháng 11 hằng năm, cơ quan, tổ chức, cơ sở đã trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải thống kê, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo các nội dung cơ bản sau:
- Thực trạng công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng (số lượng, chất lượng, chủng loại, nội dung bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trang bị);
- Kết quả thực hiện kết luận kiến nghị thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
- Đề xuất, kiến nghị giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trình tự báo cáo và cơ quan tiếp nhận báo cáo
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, đội dân phòng báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
- Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Công an cấp huyện về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
- Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành có trách nhiệm báo cáo Công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh theo phân cấp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
- Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ báo cáo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an cấp huyện báo cáo Công an cấp tỉnh trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý;
- Công an cấp tỉnh báo cáo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.