Lý do khiến lao động tự do không nhận được tiền hỗ trợ Covid-19

Hầu như bất cứ người lao động nào cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ chính là người lao động tự do. Hơn ai hết và hơn lúc nào hết, họ đang mong đợi gói hỗ trợ của Nhà nước.

Chỉ hỗ trợ cho người có thường trú hoặc tạm trú

Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ chỉ quy định chung về việc hỗ trợ lao động tự do (người không có giao kết hợp đồng lao động) tối thiểu 1,5 triệu đồng, còn điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể lại do các địa phương quyết định, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương.

Theo văn bản về chính sách hỗ trợ cho lao động tự do 63 tỉnh, thành, hầu như điều kiện đầu tiên đối với người lao động tự do chính phải là “cư trú hợp pháp” trên địa bàn.

Điển hình như ở Hà Nội, tại Quyết định 3642 hay ở TP. Hồ Chí Minh, tại Công văn 2209, Thành phố cũng yêu cầu để nhận được mức hỗ trợ 50.000 đồng/ngày, lao động tự do phải cư trú hợp pháp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận.

Tỉnh Bình Dương, tại Quyết định 09/2021/QĐ-UBND, cũng nêu rõ chính sách hỗ trợ 1,5 triệu đồng cũng chỉ áp dụng đối với lao động tự do đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Cư trú.

Trong khi đó, theo Luật Cư trú, một người chỉ được coi là cư trú hợp pháp phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú. 

Thực tế hiện nay, rất nhiều người lao động tự do từ quê ra các thành phố sinh sống và làm việc, nhưng “quên” không đăng ký tạm trú. Do đó, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, họ sẽ không được hưởng cho dù cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.


Có đăng ký tạm trú vẫn khó nhận được hỗ trợ

Yêu cầu chung đối với người lao động tự do khi nhận tiền hỗ trợ Covid-19 là phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú. Trường hợp người có đăng ký tạm trú thì vẫn gặp khó khăn trong việc làm thủ tục nhận hỗ trợ.

Trong văn bản của tỉnh, thành phố chỉ quy định các UBND phường, xã, thị trấn rà soát, lên danh sách đối tượng nhận được hỗ trợ, người lao động không phải làm thủ tục gì. Tuy nhiên, trong quá trình thực tế triển khai, nhiều địa phương vẫn yêu cầu người lao động tự do đang đăng ký tạm trú phải có giấy xác nhận không nhận hỗ trợ ở nơi thường trú, tránh tình trạng một người nhận được hai lần hỗ trợ, trục lợi chính sách. 

Giữa bối cảnh nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và thực hiện yêu cầu của Thủ tướng về việc “ai ở đâu ở yên đấy”, việc về nơi thường trú để xin xác nhận là điều không thể! Đây chính là rào cản lớn nhất khiến người lao động tự do có tạm trú mà vẫn khó nhận được tiền hỗ trợ.

Trước vướng mắc này, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho lao động tự do bằng việc ban hành ra Công văn 2644/UBND-KGVX không yêu cầu người lao động phải về quê để xin xác nhận.

Bài viết trên đã phân tích về lý do lao động tự do không nhận được tiền hỗ trợ Covid-19. Nếu còn thắc mắc về chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của từng địa phương, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192.

Giải đáp thắc mắc về chính sách hỗ trợ cho lao động tự do (Video LuatVietnam)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục