Lao động thời vụ dịp Tết có được ký hợp đồng, đóng bảo hiểm?

Dịp Tết, nhu cầu sản xuất tăng cao đòi hỏi có thêm lao động để đảm bảo việc về khối lượng công việc. Đây cũng là thời điểm rất nhiều người lao động phổ thông tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết sung túc hơn. Vậy làm thời vụ dịp Tết có có phải ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm không?


Công việc thời vụ dịp Tết có được ký hợp đồng lao động?

Công việc thời vụ dịp Tết thường diễn ra phổ biến từ 01 - 03 tháng hoặc có thể dài hơn nhằm đảm bảo tiêu dùng trước và sau Tết Nguyên đán.

Trước đây, theo quy định cũ tại Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2012, với công việc mang tính chất thời vụ thì người lao động và người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng theo mùa vụ. Trong đó, công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng được phép giao kết bằng lời nói (khoản 2 Điều 16 BLLĐ 2012).

Tuy nhiên, từ năm 2021, theo BLLĐ năm 2019, loại hợp đồng mùa vụ đã bị loại bỏ, thay vào đó, các bên chỉ được giao kết hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Do đó, khi sử dụng lao động thời vụ dịp Tết, các bên phải giao kết hợp đồng xác định thời hạn thay cho hợp đồng mùa vụ trước đây.

Đặc biệt, căn cứ khoản 2 Điều 14 BLLĐ năm 2019, chỉ cho phép giao kết bằng lời nói đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng nhưng không áp dụng với các trường hợp sau:

- Giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua một người lao động trong nhóm được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động để làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

- Giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi.

- Giao kết hợp đồng lao động với lao động là người giúp việc gia đình.

Theo đó, với hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên bắt buộc phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc giao kết bằng thông qua hợp đồng điện tử.

Như vậy, làm mùa vụ dịp Tết có thể được ký hợp đồng lao động nếu thuộc các trường hợp sau:

- Làm công việc có thời hạn từ 01 tháng trở lên;

- Làm công việc dưới 01 tháng nhưng thuộc các đối tượng sau:

+ Nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua một người lao động trong nhóm được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động để làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

+ Người chưa đủ 15 tuổi.

+ Lao động là người giúp việc gia đình.

Xem thêm: 10 điểm mới về hợp đồng lao động từ năm 2021


Lao động thời vụ làm 01 tháng cũng được đóng BHXH

Nội dung này được ghi nhận cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 như sau:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;…

Theo đó, người lao động chỉ cần làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Như vậy, người lao động làm thời vụ dịp Tết chỉ cần làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng sẽ được đóng BHXH.

Mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trong trường hợp này bằng 8% mức tiền lương tháng; trong khi đó, chủ sử dụng lao động phải đóng 18%, bao gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.


lam thoi vu dip tet co phai ky hop dong

Làm thời vụ dịp Tết có phải ký hợp đồng, đóng bảo hiểm? (Ảnh minh họa)


Làm mùa vụ dịp Tết có được đóng Bảo hiểm y tế?

Khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) như sau:

Điều 1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.

Căn cứ quy định trên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên mới thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

Như vậy, lao động thời vụ dịp Tết chỉ được đóng BHYT nếu làm việc theo hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên. Trong trường hợp này, người lao động chỉ phải đóng 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH, còn người lao động phải đóng 3% vào quỹ BHYT.

Tuy nhiên, hầu hết trường hợp làm thời vụ dịp Tết chỉ làm dưới 03 tháng nên thường sẽ không được đóng BHYT.


Dịp Tết này, lao động thời vụ có được đóng Bảo hiểm thất nghiệp?

Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, đối tượng bắt buộc tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như sau:

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong đó, người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định mới, hợp đồng lao động theo mùa vụ đã bị bãi bỏ và thay bằng hợp đồng xác định thời hạn. Do đó, người lao động làm thời vụ dịp Tết sẽ được đóng BHTN nếu làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.

Nói tóm lại, làm thời vụ dịp Tết phải ký hợp đồng lao động nếu làm việc từ đủ 01 tháng trở lên hoặc dưới 01 tháng mà thuộc đối tượng đặc biệt kể trên. Đồng thời, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng sẽ được đóng BHXH. Và để được đóng BHYT và BHTN thì phải làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 .6192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục