Người làm việc “3 tại chỗ” có được hỗ trợ theo Nghị quyết 116?

Để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất trong thời điểm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Vậy người lao động tại các doanh nghiệp đó có được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 không?


Công nhân có buộc phải làm việc 3 tại chỗ khi được yêu cầu?

Theo hướng dẫn tại Công văn số 2844/LĐTBXH-PC, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ” mới được phép hoạt động. Theo đó, doanh nghiệp được phép đề nghị người lao động thực hiện phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ”.

Tuy nhiên, người lao động không bắt buộc phải thực hiện “3 tại chỗ”. Người này có thể đồng ý hoặc từ chối thực hiện yêu cầu này.

Trường hợp người lao động không đồng ý thực hiện “3 tại chỗ” thì các bên có thể thỏa thuận như sau:

1 - Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và có trả lương ngừng việc.

2 - Thỏa thuận với người lao động về việc tạm hoãn hợp đồng lao động.

3 - Thỏa thuận cho người lao động nghỉ không hưởng lương.

4 - Các trường hợp khác như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do dịch bệnh nguy hiểm mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc,…

Thực tế, hầu hết các bên thường chọn phương án tạm hoãn hợp đồng hoặc cho người lao động nghỉ không lương. 

lam viec 3 tai cho co duoc ho tro theo nghi quyet 116

Công nhân 3 tại chỗ có được hỗ trợ theo Nghị quyết 116? (Ảnh minh họa)


Người lao động làm việc cho doanh nghiệp 3 tại chỗ có được hỗ trợ?

Nghị quyết 116/NQ-CP chỉ xem xét giải quyết hỗ trợ đối với người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc người lao động đã dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu.

Theo đó, để biết chính xác người lao động làm cho doanh nghiệp "3 tại chỗ" có được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết này hay không cần đối chiếu với từng trường hợp cụ thể sau:

* Người lao động thực hiện “3 tại chỗ”:

Người lao động làm việc “3 tại chỗ” thực hiện đầy đủ công việc theo sự phân công, quản lý và giám sát của người sử dụng lao động nên sẽ được trả đủ lương theo thỏa thận.

Cùng với đó, những người này sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm và các chế độ phúc lợi khác của doanh nghiệp. Đồng nghĩa rằng, trường hợp này, người lao động vẫn đang được đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ.

Như vậy, những công nhân “3 tại chỗ” sẽ được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

* Người lao động không thực hiện “3 tại chỗ”:

- Người lao động ngừng việc và có hưởng lương:

Khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH nêu rõ:

8. Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Theo đó, trong thời gian nghỉ, những người này vẫn đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng sẽ đóng ở mức lương thấp hơn so với trước.

Bởi vậy, người lao động trong trường hợp này cũng được hưởng tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

- Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động:

Căn cứ khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019, trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích trong hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, nếu không có thỏa thuận thì người lao động sẽ không được đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tạm hoãn hợp đồng.

Tuy nhiên theo hướng dẫn mới nhất tại Công văn 3535/LĐTBXH-VL ngày 11/10/2021, trường hợp tạm hoãn hợp đồng vẫn sẽ được nhận tiền hỗ trợ nếu có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan BHXH.

- Người lao động nghỉ không lương:

Theo khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người lao động làm không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó sẽ không tính đóng bảo hiểm xã hội.

Mặt khác, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng chính là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vì vậy, người lao động nghỉ việc trên 14 ngày sẽ không được đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng theo Công văn 3535/LĐTBXH-VL, trường hợp nghỉ không lương cũng được nhận tiền hỗ trợ nếu có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan BHXH.

Trong khi đó, những lao động không đồng ý làm việc “3 tại chỗ” mà đã chấm dứt hợp đồng lao động thì có thể làm thủ tục hưởng hỗ trợ nếu vẫn đang dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp và có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu.

Trên đây là trả lời cho câu hỏi người làm và không làm 3 tại chỗ có được hỗ trợ theo Nghị quyết 116 hay không. Mọi thắc mắc liên quan đến bài viết và chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116 sẽ được LuatVietnam giải đáp qua tổng đài 1900.6192.

>> Làm thế nào để biết mình được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116?

>> Giải đáp thắc mắc về nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp

>> Ai đang đi làm nhưng không nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 116?
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục