Do Covid-19, không trả đủ lương cho NLĐ, doanh nghiệp bị phạt

Thời điểm này, cuộc sống cơ bản đã trở lại bình thường sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, sự ảnh hưởng của đại dịch vẫn chưa kết thúc, trong đó có việc chi trả lương cho người lao động.

Nguyên tắc trả lương cho người lao động

Theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2012, người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trong đó, Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP giải thích rõ, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định. Khoản tiền này bao gồm:

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh;

- Phụ cấp lương (Tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương);

- Các khoản bổ sung khác (Tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động).

Trường hợp phải ngừng việc thì doanh nghiệp cũng phải trả đủ lương ngừng việc theo đúng quy định cho người lao động. Cụ thể, theo Điều 98 Bộ luật Lao động 2012:

- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương;

- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;

- Nếu vì sự cố điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác (thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm…) thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Do đó, dù phải ngừng việc do dịch bệnh thì doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo trả đủ lương ngừng việc cho người lao động.

Không trả đủ lương cho người lao động, doanh nghiệp bị phạt

Tiền lương của người lao động (Ảnh minh họa)

Không trả đủ lương cho người lao động, doanh nghiệp bị phạt

Khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP có nêu, phạt tiền đối với người sử dụng lao động có 01 trong các hành vi:

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật…

Với những hành vi này, người sử dụng lao động sẽ bị phạt:

- Từ 05 - 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 01 - 10 người lao động;

- Từ 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 - 50 người lao động;

- Từ 20 - 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 - 100 người lao động;

- Từ 30 - 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 - 300 người lao động;

- Từ 40 - 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền, khoản 5 Điều này còn yêu cầu người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại công bố tại thời điểm xử phạt.

>> Ảnh hưởng dịch Covid-19, công ty có được nợ lương nhân viên?

Thùy Linh

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục