Cho dù có rất nhiều điểm mới so với Bộ luật Lao động hiện hành. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 vừa được thông qua vẫn giữ nguyên một số quy định, trong đó có quy định thời gian làm thêm giờ, cho dù trước đó có nhiều đề xuất.
Với 89,65% đại biểu Quốc hội tán thành, Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn quy định về thời gian làm thêm giờ như hiện nay:
Số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn có thể áp dụng thời gian làm thêm lên tối đa 300 giờ/năm nếu thuộc các trường hợp:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản;
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm...
Trước đó, nhiều đề xuất rằng nên tăng thời gian làm thêm giờ lên 400 giờ/năm để tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tăng thu nhập. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thời gian làm thêm là “đi ngược lại với sự tiến bộ của xã hội”, người lao động không có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và chăm lo cho gia đình.
Về thời giờ làm việc bình thường, Bộ luật Lao động mới vẫn giữ nguyên như hiện hành là “không quá 08 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần”. Tuy nhiên, Quốc hội giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần.
Đồng thời, tại Bộ luật mới, Quốc hội cũng giữ quan điểm “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động”.