Sắp đến hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động hằng năm và nhiều người thắc mắc nếu công ty không đóng BHXH cho người lao động thì có phải nộp báo cáo này không? Cùng theo dõi câu trả lời dưới đây.
1. Không đóng BHXH có phải nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động?
Việc báo cáo tình hình sử dụng lao động là trách nhiệm về quản lý lao động của người sử dụng lao động, do đó, trong trường hợp doanh nghiệp có sử dụng lao động nhưng không phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho lao động thì vẫn phải nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động.
Trước tiên, cần phải hiểu người sử dụng lao động là tổ chức/cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận (theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019).
Đối chiếu với quy định tại Điều 12 Bộ luật này về trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động, theo đó, người sử dụng lao động phải:
- Lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động bằng bản giấy/bản điện tử;
- Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động;
- Định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động trước ngày 05/6 và ngày 05/12 hằng năm (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP).
Theo Nghị định 122/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp đăng ký thành lập, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Nghị định về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định này thì không phải khai trình sử dụng lao động nữa.
Tức là, từ ngày 15/10/2020 (thời điểm Nghị định 122/2020/NĐ-CP có hiệu lực), doanh nghiệp mới thành lập không phải khai trình sử dụng lao động như trước đây.
Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện báo cáo tình hình thay đổi lao động định kỳ 06 tháng (trước ngày 05/6) và hằng năm (trước ngày 05/12) đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Lưu ý: Doanh nghiệp tránh nhầm lẫn giữa việc khai trình sử dụng lao động và báo cáo tình hình sử dụng lao động.Tóm lại, căn cứ vào những quy định trên, doanh nghiệp có sử dụng lao động không phân biệt lao động đó có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không thì đều phải làm báo cáo tình hình sử dụng lao động.
Xem thêm: Hướng dẫn báo cáo tình hình sử dụng lao động [2023]
2. Không sử dụng lao động có phải nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động?
Như đã nêu ở trên, báo cáo tình hình sử dụng lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động là những doanh nghiệp có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
Theo đó, doanh nghiệp không sử dụng lao động sẽ không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn tại mới nhất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 25985/SLĐTBXH-VLATLĐ về việc báo cáo sử dụng lao động có nêu:
1. Đối tượng thực hiện báo cáo: Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động và có trụ sở, địa điểm hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là đơn vị).
Như vậy, doanh nghiệp không sử dụng lao động sẽ không phải nộp báo cáo này.
3. Không có mã đơn vị BHXH, nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động thế nào?
Doanh nghiệp có 02 cách để nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động, trong đó nếu nộp qua Cổng dịch vụ công Quốc gia thì bắt buộc doanh nghiệp phải có mã đơn vị BHXH.
Trường hợp không có mã đơn vị BHXH, doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp báo cáo tình hình sử dụng lao động tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Nếu người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế thì gửi hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi.
Lưu ý: Các doanh nghiệp thành lập từ ngày 04/01/2021 (thời điểm Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực) mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số đơn vị tham gia BHXH của doanh nghiệp.
Từ thời điểm này, doanh nghiệp không cần đăng ký mã đơn vị tham gia BHXH.
Đối với các doanh nghiệp đã thành lập trước thời điểm này, đăng ký mã đơn vị tham gia BHXH theo quy định tại Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH, khoản 16 Điều 2 Quyết định 490/QĐ-BHXH như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tham gia BHXH lần đầu gồm:
- Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).
Bước 2: Đơn vị nộp tờ khai TK3-TS cho cơ quan BHXH quận/huyện nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở chính.
Bước 3: Nhận kết quả báo về qua địa chỉ email đăng ký về việc được cấp mã đơn vị BHXH. Trong khoảng thời gian từ 01 - 07 ngày làm việc Cơ quan BHXH sẽ cấp mã đơn vị.
Trên đây là giải đáp về vấn đề không đóng BHXH có phải nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số 19006192 để được hướng dẫn.