Đơn phương chấm dứt hợp đồng là quyền của người sử dụng lao động. Song, để bảo vệ quyền lợi người lao động, pháp luật cũng định rõ những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền này.
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp:
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị mà khả năng lao động chưa hồi phục:
- 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn;
- 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn từ 12 - 36 tháng;
- Quá nửa thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn dưới 12 tháng.
2. Người lao động đang nghỉ hàng năm.
Điều 113 Bộ luật quy định, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm và hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Với người làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hàng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Người lao động đang nghỉ việc riêng.
Pháp luật quy định, trong một số trường hợp, người lao động được nghỉ việc riêng (có thể nghỉ hưởng lương hoặc không hưởng lương) mà chỉ cần thông báo cho người sử dụng lao động. Cụ thể tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019:
- Kết hôn: Nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: Nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: Nghỉ 03 ngày;
- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn: Nghỉ 01 ngày.
Xem chi tiết tại đây.
7 thời điểm không được buộc người lao động thôi việc (Ảnh minh họa)
4. Người lao động đang nghỉ với lý do được người sử dụng lao động đồng ý.
5. Người lao động nữ mang thai.
6. Người lao động đang nghỉ thai sản.
Liên quan đến thời gian nghỉ thai sản của người lao động, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau:
- Nghỉ đi khám thai:
Lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
- Nghỉ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý:
+ 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
+ 20 ngày nếu thai từ 05 - 13 tuần tuổi;
+ 40 ngày nếu thai từ 13 - 25 tuần tuổi;
+ 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
- Nghỉ khi sinh con:
Lao động nữ sinh con được nghỉ trước và sau khi sinh con 06 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ:
+ 05 ngày làm việc;
+ 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
+ 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi; từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
+ 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
- Nghỉ khi thực hiện các biện pháp tránh thai:
Người lao động được nghỉ theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền và tối đa:
+ 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
+ 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
- Nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:
Ngay sau thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tối đa:
+ 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 02 con trở lên;
+ 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
+ 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Xem thêm: 5 mốc hưởng chế độ thai sản lao động nữ cần biết
7. Người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Để biết những thay đổi về lao động khi áp dụng Bộ luật Lao động mới, độc giả có thể xem thêm tại đây:
>> Quyền lợi người lao động thay đổi thế nào theo Bộ luật Lao động mới?