Trong quá trình lao động, việc được nghỉ trong giờ làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người lao động.
Chị T.D (Bình Dương) gửi câu hỏi: “Tôi là thợ dệt của công ty may X tại Bình Dương. Vì phải chạy máy nên tôi phải đứng cả ngày, chỉ trừ lúc đi vệ sinh và 1 tiếng buổi trưa tôi mới được nghỉ. Tôi mới vào làm được 2 tháng nhưng thực sự thấy rất mệt. Cho tôi hỏi, ngoài giờ nghỉ trưa thì trong giờ làm việc tôi có được nghỉ lúc nào không?”
LuatVietnam trả lời như sau:
Điều 104 Bộ luật Lao động hiện nay năm 2012 quy định, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ/ngày và 48 giờ/tuần.
Đối với những công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thời giờ làm việc không quá 06 giờ/ngày.
Thời gian nghỉ trong giờ làm việc của người lao động (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong quá trình lao động, không phải người lao động phải làm việc trong suốt thời gian này, mà theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2012, người lao động được quyền nghỉ trong giờ làm.
Theo đó, người lao động làm việc liên tục trong 08 giờ đối với công việc bình thường hoặc 06 giờ đối với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút.
Trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau) thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút.
Riêng lao động nữ như chị, ngoài thời gian nghỉ trong giờ nêu trên, trong thời gian hành kinh, chị được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.
Các thời gian nghỉ này vẫn được tính hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Ngoài ra, mỗi công ty đều có thể quy định về thời gian nghỉ giữa giờ, nghỉ trong giờ làm và thời điểm các đợt nghỉ ngắn khác nhau. Do vậy, chị có thể tham khảo về thời gian nghỉ trong quá trình làm việc tại nội quy, quy chế của công ty.
Về vấn đề này, chị có thể xem thêm:
Các trường hợp nghỉ việc vẫn được hưởng nguyên lương
Thùy Linh