Hợp đồng lao động dưới 1 tháng: Được ký mấy lần? Có phải đóng BHXH?

Để đảm bảo tiến độ sản xuất khi vào dịp cao điểm, các doanh nghiệp thường thuê lao động ngắn hạn. Vậy với loại hợp đồng lao động dưới 1 tháng, doanh nghiệp và người lao động cần chú ý những gì?


1. Hợp đồng lao động dưới 1 tháng có phải lập thành văn bản?

Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hình thức hợp đồng lao động như sau:

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.

Theo đó, với hợp đồng lao động lao động dưới 1 tháng, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận miệng mà không cần lập hợp đồng giấy hoặc thông qua dữ liệu điện tử, trừ trường hợp:

- Ký hợp đồng với nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên thông qua 01 người ủy quyền trong nhóm.

- Thuê người lao động chưa đủ 15 tuổi.

- Thuê người lao động giúp việc gia đình.


2. Lao động làm ngắn hạn dưới 01 tháng có phải thử việc?

Theo Điều 25 Bộ Luật Lao động 2019, thời gian thử việc đối với mỗi loại công việc được quy định như sau:

-  Không quá 180 ngày: Công việc quản lý doanh nghiệp.

- Không quá 60 ngày: Công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.

- Không quá 30 ngày: Công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nghiệp vụ.

- Không quá 06 ngày làm việc: Công việc khác.

Tuy nhiên do đặc thù về thời hạn chỉ làm dưới 01 tháng nên với loại hợp đồng lao động dưới 1 tháng, khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động đã nêu rõ:

3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

Như vậy, nếu làm việc theo hợp đồng ngắn hạn dưới 01 tháng, người lao động sẽ không cần phải trải qua quá trình thử việc mà được nhận luôn làm nhân viên chính thức. Nhờ vậy, người lao động sẽ được trả đầy đủ 100% tiền lương của công việc mà người đó đang làm.

Nếu yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính từ 500.000 - 01 triệu đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP). 
hop dong lao dong duoi 1 thang


3. Hợp đồng lao động dưới 1 tháng được ký mấy lần?

Theo điểm b khoản 1 Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động dưới 1 tháng thuộc loại hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Khi hợp đồng này hết hạn, nếu các bên vẫn có nhu cầu tiếp tục thực hiện công việc thì phải tiến hành ký hợp đồng mới theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động nắm 2019:

- Ký hợp đồng mới trong 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động dưới 1 tháng hết hạn:

+ Được ký tiếp 01 lần hợp đồng có thời hạn hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

+ Được ký nhiều lần hợp đồng lao động dưới 01 tháng với những trường hợp sau:

  • Thuê người làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước.
  • Thuê người lao động cao tuổi.
  • Thuê người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
  • Thuê người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ được gia hạn hợp đồng đến hết nhiệm kì.

- Không ký hợp đồng mới mà vẫn để người lao động tiếp tục làm việc: Sau 30 ngày, hợp đồng lao động dưới 1 tháng trở thành hợp đồng không xác định thời hạn.

Như vậy, với hầu hết người lao động, doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng dưới 1 tháng 02 lần.

Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt như người lao động cao tuổi, lao động nước ngoài, người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động thì được phép ký nhiều lần hợp đồng lao động dưới 1 tháng.


4. Hợp đồng lao động dưới 1 tháng có phải đóng bảo hiểm không?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên mới thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Còn với bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, Điều 43 Luật Việc làm 2013 và khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014 cũng chỉ rõ, đối tượng tham gia các loại bảo hiểm này phải là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.

Như vậy, nếu ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng, người lao động sẽ không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm.

Tuy nhiên, thay cho việc không phải đóng bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm tiền cho những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 1 tháng.

Bởi khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định:

3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, ngoài tiền lương, doanh nghiệp còn phải thanh toán thêm cho người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Nếu không trả thêm tiền, người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính từ 03 - 20 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng người lao động bị trả thiếu tiền (theo khoản 4 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Trên đây là những thông tin đáng chú ý liên quan đến hợp đồng lao động dưới 1 tháng. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu Báo cáo y tế lao động 6 tháng đầu năm 2025

Mẫu Báo cáo y tế lao động 6 tháng đầu năm 2025

Mẫu Báo cáo y tế lao động 6 tháng đầu năm 2025

Báo cáo y tế lao động là văn bản mà cơ sở y tế nộp cho cơ quan có thẩm quyền để báo cáo tình trạng sức khỏe của người lao động, các biện pháp y tế đã thực hiện và các dữ liệu liên quan khác. Bài viết dưới đây sẽ cập nhật Mẫu Báo cáo y tế lao động 6 tháng đầu năm 2025 để các cơ sở theo dõi thực hiện.