Điều kiện hỗ trợ huấn luyện an toàn lao động
An toàn lao động là một trong những điều kiện cơ bản để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng công việc.
Chỉ khi người lao động chủ động nhận biết được các mối nguy hiểm trong quá trình làm việc cũng như đưa ra được các biện pháp phòng tránh, khắc phục khi có sự cố xảy ra thì mới có thể đảm bảo được an toàn.
Do đó, huấn luyện an toàn lao động là nhu cầu thiết thực của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Để làm tốt công tác này, Nhà nước đặt ra chính sách hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn lao động.
Theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 37 năm 2016 của Chính phủ, để được hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 02 điều kiện dưới đây:
- Thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
- Người lao động được hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là người có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng đề nghị hỗ trợ.
Điều kiện và mức hỗ trợ huấn luyện an toàn lao động (Ảnh minh họa)
Mức hỗ trợ được tính theo đầu người
Điều 24 Nghị định này nêu rõ mức hỗ trợ như sau:
- Không quá 01 lần mức lương cơ sở (1,49 triệu đồng)/người đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động;
- Không quá 1/2 mức lương cơ sở (745.000 đồng)/người đối với người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;
- Không quá 1/4 mức lương cơ sở (372.500 đồng)/người đối với người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động; người làm công tác y tế; an toàn, vệ sinh viên.
Xem thêm: Đối tượng tham gia huấn luyện an toàn lao động trong doanh nghiệp
Tuy nhiên, dù mức hỗ trợ được tính trên cơ sở các đối tượng tham gia huấn luyện nhưng tối đa cũng chỉ bằng 30% mức giá dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định.
Thủ tục hỗ trợ kinh phí huấn luyện cho doanh nghiệp
Bước 1. Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, gồm:
- Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện cho người lao động;
- Văn bản chứng minh thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động;
- Bản sao chứng từ thanh toán chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Bước 2. Doanh nghiệp nộp hồ sơ
Người sử dụng lao động nộp hồ sơ nêu trên tới Sở Lao động Thương binh và Xã hội (mang theo bản chính chứng từ thanh toán để đối chiếu với bản sao).
Bước 3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội giải quyết hồ sơ
- Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho doanh nghiệp.
Trường hợp không hỗ trợ thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hỗ trợ, doanh nghiệp nhận kinh phí hỗ trợ từ cơ quan bảo hiểm xã hội.
>> Lao công, bảo vệ có phải huấn luyện an toàn lao động?
Thùy Linh