Lao động nữ luôn giữ vai trò quan trọng trong thị trường lao động, đặc biệt là các ngành may mặc, da giày. Do đặc thù về sức khỏe và sinh lý nên pháp luật đã dành cho họ những ưu đãi nhất định.
- 1. Không phân biệt đối xử giữa lao động nam và lao động nữ
- 2. Không sử dụng lao động nữ làm một số việc nhất định
- 3. Phải tham khảo ý kiến khi có quyền lợi liên quan
- 4. Tổ chức khám chuyên khoa phụ sản 06 tháng/lần
- 5. Phải cho nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh
- 6. Đảm bảo việc làm cho lao động nữ khi mang thai
- 7. Nghỉ chế độ thai sản ít nhất 4 tháng
- 8. Phải tạo điều kiện khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
1. Không phân biệt đối xử giữa lao động nam và lao động nữ
Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 85/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ.
Việc này phải thể hiện ngay từ chính sách tuyển dụng ban đầu và duy trì trong suốt quá trình sử dụng về đào tạo, tiền lương, khen thưởng, cơ hội thăng tiến, các chế độ bảo hiểm, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi khác.
2. Không sử dụng lao động nữ làm một số việc nhất định
Đây là những công việc hoặc điều kiện làm việc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như thiên chức làm mẹ của lao động nữ.
Cụ thể tại Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH:
Những công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con: trực tiếp nấu chảy, rót kim loại nóng chảy ở các lò; bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện trong cống ngầm hoặc trên cột ngoài trời, đường dây điện cao thế, lắp dựng cột điện cao thế…
Những công việc phải thường xuyên ngâm mình dưới nước hay dưới hầm mỏ: đổ bê tông dưới nước; thợ lặn; nạo vét cống ngầm (trừ nạo vét tự động, bằng máy); làm việc dưới nước bẩn hôi thối (từ 04 giờ/ngày trở lên, trên 03 ngày/tuần)…
Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
Doanh nghiệp cần lưu ý khi sử dụng lao động nữ (Ảnh minh họa)
3. Phải tham khảo ý kiến khi có quyền lợi liên quan
Khoản 2 Điều 154 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ, doanh nghiệp có nghĩa vụ tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
Nếu không làm tròn nghĩa vụ này, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
Đồng thời, phải bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc và giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.
Thực tế, những doanh nghiệp ở các khu công nghiệp hay doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thường làm tốt quy định này hơn.
4. Tổ chức khám chuyên khoa phụ sản 06 tháng/lần
Bảo đảm sức khỏe cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng là việc mà mọi doanh nghiệp đều phải thực hiện. Việc làm này không chỉ duy trì nguồn nhân lực mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng công việc.
Theo đó, bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ thì hàng năm, doanh nghiệp phải tổ chức khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ ít nhất 06 tháng/lần (theo khoản 2 Điều 152 Bộ luật Lao động 2012).
5. Phải cho nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP, trong thời gian hành kinh, lao động nữ phải được nghỉ 30 phút/ngày và tối thiểu 03 ngày/tháng mà vẫn được hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động.
Thời gian nghỉ cụ thể căn cứ vào nhu cầu của lao động nữ và sự thỏa thuận với người sử dụng lao động, phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, không ít người lao động coi đây là chuyện tế nhị và thường bỏ qua quyền lợi này, nhưng thực tế vẫn có những cách để người sử dụng lao động và người lao động có thể cảm thông với nhau. Xem chi tiết tại đây.
Trường hợp lao động nữ đã có “lời” mà vẫn không được nghỉ thì doanh nghiệp bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
Lao động nữ được nghỉ 30 phút/ngày (Ảnh minh họa)
6. Đảm bảo việc làm cho lao động nữ khi mang thai
Làm mẹ là thiên chức cao cả của phụ nữ, chính vì vậy, bảo vệ lao động nữ trong suốt thời gian mang thai cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi mang thai, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hay thai nhi không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
Ngoài ra, Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 quy định, không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa khi mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đồng thời, phải chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc/ngày mà vẫn hưởng đủ lương khi mang thai từ tháng thứ 07 trở đi.
Xem thêm: Mang thai có cần báo cho người sử dụng lao động?
Đặc biệt, không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian này, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Bên cạnh việc đảm bảo việc làm, trong một số trường hợp, doanh nghiệp còn phải tôn trọng và chấp nhận việc lao động nữ tạm hoãn thực hiện hợp đồng hay đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đó là khi lao động nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
7. Nghỉ chế độ thai sản ít nhất 4 tháng
Điều 157 Bộ luật Lao động 2012 quy định, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh là 06 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng trọn chế độ thai sản.
Và trước khi hết thời gian nghỉ theo tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe, cũng như được sự đồng ý của người sử dụng lao động thì lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 04 tháng.
Trong trường hợp này, ngoài tiền lương do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản.
Chế độ thai sản cho lao động nữ (Ảnh minh họa)
8. Phải tạo điều kiện khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi
Tương tự như thời gian mang thai, trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, doanh nghiệp không được bố trí lao động nữ làm đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.
Đồng thời, cũng không được xử lý kỷ luật hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Và hơn hết, phải bố trí, sắp xếp, tạo mọi điều kiện để lao động nữ được đi muộn/về sớm 60 phút mỗi ngày mà vẫn hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Xem thêm: 4 quyền lợi của lao động nữ có con dưới 1 tuổi
Trường hợp vi phạm các quy định nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).
9. Được giảm thuế khi sử dụng nhiều lao động nữ
Pháp luật luôn khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện để lao động nữ được làm việc và phát triển sự nghiệp của mình. Chính vì vậy, giảm thuế hay trừ các khoản chi phí chi thêm cho lao động nữ khi xác định thu nhập chịu thuế là những ưu tiên của pháp luật dành cho các doanh nghiệp.
Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, các khoản chi thêm cho lao động nữ được trừ bao gồm: chi đào tạo lại nghề khi nghề cũ không còn phù hợp; tiền lương, phụ cấp (nếu có) cho giáo viên dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và quản lý; chi phí tổ chức khám sức khỏe thêm trong năm như khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính…
Ngoài ra, cũng theo Thông tư này, tại Điều 21, nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải mà sử dụng nhiều lao động nữ thì được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm nêu trên.
Xem chi tiết tại: Giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ
Có thể thấy, pháp luật hiện hành dành khá nhiều ưu tiên cho lao động nữ cũng như doanh nghiệp sử dụng lao động nữ. Chính vì vậy, doanh nghiệp và chính lao động nữ không nên bỏ sót những “đặc quyền” này.
>> Bị đuổi việc khi mang thai: Quyền lợi của lao động nữ ở đâu?
Thùy Linh