Đình công là gì? Trường hợp nào được coi là đình công hợp pháp?

Để phản đối các chính sách lương, thưởng của doanh nghiệp, tập thể người lao động tại các khu công nghiệp thường chọn cách đình công. Vậy theo quy định của pháp luật, đình công là gì? Trường hợp nào thì được phép đình công?


1. Đình công là gì?

Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2019 định nghĩa cụ thể về đình công như sau:

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Hiểu đơn giản, đình công là việc người lao động ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có sự tổ chức nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Đây là một trong những biện pháp giúp người lao động gây áp lực lớn đến người sử dụng lao động để đòi hỏi quyền lợi.

Việc người lao động đình công có thể là đình công hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Tuy nhiên, người lao động chỉ được đảm bảo quyền lợi chính đáng khi đình công hợp pháp.


2. Trường hợp nào là đình công hợp pháp?

Theo định nghĩa đã đề cập, đình công sẽ do tổ chức đại diện người lao động đứng ra lãnh đạo tập thể người lao động, đại diện cho họ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động. Tranh chấp dẫn tới đình công là những tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Theo Điều 199 Bộ luật Lao động, người lao động chỉ có quyền đình công trong 02 trường hợp sau:

1 - Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân mà không tiến hành hòa giải.

2 - Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc có thành lập nhưng:

+ Không ra quyết định giải quyết tranh chấp; hoặc

+ Người sử dụng lao động không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động. 
dinh cong la gi


3. Trường hợp nào bị coi là đình công bất hợp pháp?

Điều 204 Bộ luật Lao động năm 2019 đã liệt kê cụ thể 06 trường hợp được xem là đình công bất hợp pháp, gồm:

1 - Không thuộc trường hợp được quyền đình công.

2 - Không do tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

3 - Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công.

Theo Điều 200 Bộ luật Lao động, đình công phải trải qua trình tự sau: (1) Lấy ý kiến về đình công - (2) Ra quyết định đình công và thông báo đình công - (3) Tiến hành đình công. Nếu không đảm bảo trình tự này, cuộc đình công sẽ là bất hợp pháp.

4 - Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

5 - Tiến hành đình công ở những nơi không được đình công.

Căn cứ Điều 209 Bộ luật Lao động, có thể kể đến các nơi sau: Công ty Thủy điện Hoà Bình, Công ty Thủy điện Sơn La, Công ty Điều hành đường ống Tây Nam; Các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ,…

6 - Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.


4. Hành vi nào bị cấm trước, trong và sau đình công?

Bộ luật Lao động đã dành riêng Điều 208 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trước, trong và sau khi đình công. Nếu cố tình vi phạm, người lao động và người sử dụng lao động sẽ bị phạt vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:

Stt

Hành vi bị cấm

Mức phạt vi phạm

1

Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

Phạt 01 - 02 triệu đồng

(Khoản 2 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

2

Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

Phạt 01 - 02 triệu đồng

(Khoản 2 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

3

Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

300.000 đồng - 500.000 đồng

(Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

4

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.

05 - 10 triệu đồng

(Khoản 3 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

5

Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

05 - 10 triệu đồng

(Khoản 3 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

6

Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mức phạt tùy thuộc vào hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện


5. Người lao động đình công được giải quyết quyền lợi thế nào?

Khoản 2 Điều 207 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ:

2. Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Theo đó, trong những ngày đình công, người lao động sẽ không được thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ việc, đồng thời cũng không được hưởng các quyền lợi khác, trừ trường các bên có thỏa thuận.

Riêng trường hợp người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được doanh nghiệp trả lương ngừng việc theo mức thỏa thuận (theo khoản 2 Điều 99 Bộ luật Lao động).

Tuy nhiên mức lương ngừng việc tối thiểu phải bằng lương tối thiểu vùng. Hiện nay, lương tối thiểu vùng đang được áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

Mức lương

Doanh nghiệp thuộc

4.420.000 đồng/tháng

Vùng I

3.920.000 đồng/tháng

Vùng II

3.430.000 đồng/tháng

Vùng III

3.070.000 đồng/tháng

Vùng IV

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Đình công là gì?” Cùng các quy định liên quan. Nếu vẫn còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR [Cập nhật mới nhất]

Quản trị nhân sự (HR) là lĩnh vực đòi hỏi người phụ trách phải liên tục cập nhật các quy định pháp luật nhằm đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Cùng LuatVietnam cập nhật Bộ văn bản pháp luật liên quan đến HR mới nhất (tính tới ngày 11/12/2024) tại bài viết dưới đây.

Cách tính lương hưu đối với người đi xuất khẩu lao động

Cách tính lương hưu đối với người đi xuất khẩu lao động

Cách tính lương hưu đối với người đi xuất khẩu lao động

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 đã bổ sung quy định quan trọng để ghi nhận quá trình làm việc, thời gian đóng BHXH ở nước ngoài của người đi xuất khẩu lao động để xét lương hưu ở Việt Nam. Cùng LuatVietnam tìm hiểu ngay cách tính lương hưu đối với người đi xuất khẩu lao động từ 01/7/2025 tới đây.