Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hai năm liền người lao động không được tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, năm 2022 này, đã có điều đặc biệt chưa từng có về lương tối thiểu vùng so với thông lệ trước đây.
1. Lương tối thiểu được đề xuất tăng sớm hơn 6 tháng
Ngày 12/4/2022, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 với mức tăng 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới sẽ bắt đầu từ ngày 01/7/2022 thay vì từ 01/01/2023. Do đó, thời gian áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới sẽ kéo dài hơn đến 06 tháng là 18 tháng so với 12 tháng (trong một năm) như các năm trước.
Trước đây, thường mỗi năm sẽ tăng lương tối thiểu vùng 01 lần vào ngày đầu tiên của năm (01/01) để phù hợp với năm tài chính, thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng các chế độ, chính sách với người lao động.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây (2020 và 2021), do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tăng lương tối thiểu vùng phải "gác" lại để dành mọi nguồn lực cho phòng, chống Covid-19.
Trong hai năm này, không chỉ kinh tế nước ta gặp khó khăn mà hàng loạt người lao động cũng bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
Do đó, khi điều chỉnh tăng từ 01/7/2022 thay vì 01/01/2023 đã áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới sớm hơn, đồng thời cũng kéo dài thời gian áp dụng mức tăng lương tối thiểu vùng lên 18 tháng thay vì chỉ có 12 tháng đã góp phần đáng kể "chia sẻ" khó khăn với người lao động.
2. Hội đồng tiền lương quốc gia chỉ chốt đề xuất trong 2 phiên
Đây lại là một điều đặc biệt chưa từng có nữa trong suốt các năm áp dụng mức lương tối thiểu vùng (từ năm 2009 đến nay). Thông thường, các năm trước, khi họp chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, Hội đồng tiền lương phải họp ít nhất 03 phiên.
Tuy nhiên, năm nay, chỉ sau 02 phiên họp, đại diện giữa người lao động và người sử dụng lao động đều đã đạt được thống nhất về việc tăng mức lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, Hội đồng tiền lương đều thống nhất với phương án tăng lương tối thiểu vùng nhưng về thời điểm tăng thì có hai luồng ý kiến:
- Từ 01/7/2022 có 15 người bỏ phiếu đồng ý.
- Từ 01/01/2023 có 02 người bỏ phiếu đồng ý.
Như vậy, có thể thấy, ở lần tăng lương tối thiểu vùng này, các đại biểu của cả người lao động và người sử dụng lao động đều có sự thống nhât cao về việc tăng lương và "chốt" trình Chính phủ một cách rất nhanh chóng cho thấy nhu cầu tăng lương tối thiểu vùng là cấn thiết và cấp thiết.
3. Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022 là bao nhiêu?
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Với mức đề xuất tăng 6% thì dự kiến, mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022 sẽ như sau:
Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc | Mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng | Mức lương tối thiểu vùng đề xuất | Mức tăng |
Vùng I | 4.420.000 đồng/tháng | 4,68 triệu đồng/tháng | 260.000 đồng |
Vùng II | 3.920.000 đồng/tháng | 4,160 triệu đồng/tháng | 240.000 đồng |
Vùng III | 3.430.000 đồng/tháng | 3,63 triệu đồng/tháng | 210.000 đồng |
Vùng IV | 3.070.000 đồng/tháng | 3,250 triệu đồng/tháng | 180.000 đồng |
Trên đây là quy định về điều đặc biệt chưa từng có về lương tối thiểu vùng 2022. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> 11 quy định mới về tiền lương, BHXH có lợi cho người lao động