Cách tính số ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên

Một trong những ưu ái mà pháp luật dành cho người lao động làm việc lâu năm đó là việc được tính thêm số ngày nghỉ phép hằng năm. Vậy điều kiện và thời điểm tính hưởng thêm ngày phép được quy định như thế nào?


Cần điều kiện gì để được cộng thêm số ngày phép theo thâm niên?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng trong năm sẽ được nghỉ phép năm với số ngày như sau:

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo đó, tùy vào công việc và đối tượng người lao động mà khi làm đủ năm, người lao động sẽ được giải quyết nghỉ từ 12 - 16 ngày.

Tuy nhiên, nếu đã có nhiều năm làm việc cho một doanh nghiệp, người lao động còn được tính hưởng phép năm theo thâm niên.

Cụ thể Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Theo đó, để được cộng thêm số ngày phép theo thâm niên, người lao động phải làm việc cho 01 người sử dụng lao động từ đủ 05 năm trở lên. Cứ đủ 05 năm làm việc, người lao động sẽ nghỉ thêm 01 ngày phép.


Thời điểm tính 5 năm được nghỉ thêm 1 ngày phép là khi nào?

Theo Điều 114 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cứ có đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì được cộng thêm tương ứng 01 ngày phép năm vào tổng số ngày phép được hưởng.

Như vậy, thời điểm được cộng thêm ngày phép năm theo thâm niên sẽ được tính ngay khi người lao động làm việc đủ 05 năm, đủ 10 năm, đủ 15 năm,… cho một người sử dụng lao động.

Cụ thể, khi làm việc đủ 05 năm cho một doanh nghiệp thì từ năm thứ 06 đến năm thứ 10 làm việc tại đó, người lao động sẽ được cộng thêm 01 ngày phép/năm. Làm việc từ năm thứ 10 đến hết năm thứ 15, người lao động được cộng thêm 02 ngày phép/năm. Làm việc từ năm thứ 16 đến hết năm thứ 20, người lao động sẽ được cộng thêm 03 ngày phép/năm…

Ví dụ chị A vào làm cho công ty X từ ngày 01/3/2021 với điều kiện làm việc bình thường.

Trong 05 năm đầu tiên (từ 01/3/2021 - hết 28/2/2026), mỗi một năm làm đủ 12 tháng, chị A được nghỉ 12 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

Trong thời gian từ năm thứ 06 đến năm thứ 10 (từ ngày 01/3/2026 - hết 28/2/2031), mỗi năm làm đủ 12 tháng, chị A được nghỉ 13 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

Trong thời gian từ năm thứ 11 đến năm thứ 15 (từ ngày 01/3/2031 - hết 29/2/2036), mỗi năm làm đủ 12 tháng, chị A được nghỉ 14 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

Lưu ý: Thời gian làm việc tính hưởng phép năm được tính cho cả thời gian người lao động thử việc (theo khoản 2 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

Trên đây là thông tin giải thích liên quan đến quy định: “Cứ 5 năm được nghỉ thêm 1 ngày phép” đối với người lao động. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ giải đáp.

>> Lịch nghỉ phép năm do công ty quy định hay người lao động tự chọn?
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Cẩm nang đi làm dành cho Gen Z

Cẩm nang đi làm dành cho Gen Z

Cẩm nang đi làm dành cho Gen Z

Khi bước chân vào thị trường lao động, các bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật lao động để không bị nhà tuyển dụng “bóc lột” quyền lợi. Sau đây là cẩm nang đi làm dành cho các bạn mới đi làm.