Có đúng là công ty chậm trả lương được nhận thêm tiền lãi?

Chỉ còn ít ngày nữa là Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 sẽ chính thức có hiệu lực. Kéo theo đó, nhiều quy định liên quan đến tiền lương sẽ có sự thay đổi. Vậy có phải công ty chậm lương thì người lao động sẽ nhận được tiền lãi?


Duy nhất 1 trường hợp được chậm lương

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của BLLĐ năm 2019. Nội dung này được ghi nhận tại khoản 3 Điều 97 như sau:

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày;…

Trong khi đó, khoản 2 Điều 24 Nghị 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn BLLĐ năm 2012 quy định:

Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. 

Như vậy, từ năm 2021, BLLĐ năm 2019 đã gộp lại chỉ còn 01 trường hợp người sử dụng lao động được phép chậm lương của người lao động đó là vì lý do bất khả kháng mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.

Hiện tại, BLLĐ năm 2019 và các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có quy định cụ thể giải thích về lý do bất khả kháng, nhưng theo tinh thần của quy định trước đây, doanh nghiệp được chậm lương nếu do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, để xác định chính xác lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động được phép chậm lương từ năm 2021 cần chờ văn bản hướng dẫn của Chính phủ.


Chậm lương 15 ngày, được tính thêm lãi ngân hàng 

Khoản 4 Điều 97 BLLĐ năm 2019 ghi nhận:

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Theo đó, nếu công ty trả lương cho người lao động chậm từ 15 ngày trở lên phải có trách nhiệm trả thêm tiền lãi cho người lao động cho số tiền chậm trả. Khi đó, mức lãi suất được áp dụng là lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng tại thời điểm trả lương của ngân hàng mà doanh nghiệp mở tài khoản trả lương người lao động.

Trước đây, theo Điều 24 Nghị định 05/2020, mức lãi suất được tính theo lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi không quy định mức trần lãi suất, thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp mở tài khoản.

Như vậy, hiện nay, việc tính lãi chậm lương toàn bộ sẽ được áp dụng theo mức lãi của ngân hàng mà doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho người lao động. Quy định này sẽ đem lại cho người lao động thêm một khoản lợi bởi lãi suất của các ngân hàng mà người lao động chọn mở tài khoản trả lương thường cao hơn so với Ngân hàng nhà nước.


cong ty cham luong duoc nhan them tien lai

Công ty chậm lương được nhận thêm tiền lãi? (Ảnh minh họa) 


Chậm trả lương, doanh nghiệp bị phạt đến 100 triệu đồng

Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, tùy thuộc vào số lượng người lao động bị trả lương không đúng hạn mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức sau:

- Từ 05 - 10 triệu đồng: Vi phạm từ 01 - 10 người lao động;

- Từ 10 - 20 triệu đồng: Vi phạm từ 11 - 50 người lao động;

- Từ 20 - 30 triệu đồng: Vi phạm từ 51 - 100 người lao động;

- Từ 30 - 40 triệu đồng: Vi phạm từ 101 - 300 người lao động;

- Từ 40 - 50 triệu đồng: Vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Mức phạt này được áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân. Với người sử dụng lao động là tổ chức thì phạt gấp đôi mức trên theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12. Như vậy, doanh nghiệp có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng nếu chậm lương của người lao động.

Trên đây là giải đáp thắc mắc liên quan đến việc công ty chậm lương được nhận thêm tiền lãi. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.

>> 5 quy định mới về tiền lương từ 2021 của người lao động

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục