Có phải trả thêm khoản đóng bảo hiểm vào lương thử việc?

Một trong những vấn đề mà khá nhiều lao động thử việc thắc mắc đó là công ty có phải trả thêm khoản đóng bảo hiểm vào lương thử việc của người lao động không? Câu trả lời sẽ được chuyên gia của LuatVietnam giải đáp ngay sau đây.

1. Người lao động thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019, khi có thỏa thuận về việc làm thử thì người lao động và người sử dụng lao động có thể ký hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận gộp nội dung thử việc vào trong hợp đồng lao động.

Tùy vào cách thức ghi nhận thỏa thuận thử việc mà người sử dụng lao động và người lao động thử việc có thể phải đóng hoặc không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể:

Trường hợp 1: Ký hợp đồng thử việc

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

(1) Người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.

(2) Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam mà có giấy phép lao động (hoặc chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu theo pháp luật Việt Nam.

Như vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với người lao động ký hợp đồng lao động nên với trường hợp ký hợp đồng thử việc thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều không phải đóng bảo hiểm xã hội.

thu-viec-co-phai-dong-bao-hiem-xa-hoi
Thử việc có phải đóng bảo hiểm xã hội? (Ảnh minh họa)

Trường hợp 2: Thỏa thuận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động

Lúc này các nội dung của hợp đồng lao động mà hai bên giao kết phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, trong đó có nội dung quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Thêm vào đó, khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định là không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng. Do đó, một khi hai bên đã thỏa thuận ghi nội dung thử việc trong hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động đó phải đảm bảo có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.

Với việc ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên, người lao động thử việc là cá nhân Việt Nam sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Lúc này, người sử dụng lao động và người lao động đều phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trừ một số trường hợp đặc biệt.

2. Công ty có phải trả thêm khoản đóng bảo hiểm vào lương thử việc?

Theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019, việc trả thêm khoản đóng bảo hiểm xã hội vào tiền lương được người sử dụng lao động thực hiện khi người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong khi đó, các quyền lợi về bảo hiểm xã hội chỉ được áp dụng đối với trường hợp ký hợp đồng lao động. Do đó:

- Trường hợp ký hợp đồng thử việc: Người lao động không được trả thêm khoản tiền đóng bảo hiểm vào lương thử việc.

- Trường hợp thỏa thuận thử việc gộp vào hợp đồng lao động:

Người lao động đã được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ không được công ty thanh toán thêm khoản tiền đóng bảo hiểm vào lương thử việc.

Người lao động thử việc ký hợp đồng lao động nhưng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được trả thêm khoản đóng bảo hiểm vào lương thử việc.

Số tiền được trả thêm tương đương với mức các loại bảo hiểm bắt buộc của người sử dụng lao động cho người lao động.

Căn cứ hướng dẫn về mức đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động sẽ được công ty trả thêm 21,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó.

Có phải trả thêm khoản đóng bảo hiểm vào lương thử việc?
Có phải trả thêm khoản đóng bảo hiểm vào lương thử việc? (Ảnh minh họa)

Theo khoản 4 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH, người lao động thử việc có ký hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được nhận tiền thay cho việc đóng BHXH:

(1) Người giúp việc gia đình.

(2) Người lao động đang hưởng lương hưu hằng tháng.

(3) Người lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng sinh hoạt phí đối với cán bộ cấp xã tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP.

(4) Người lao động đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

(5) Người lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định 613/QĐ-TTg năm 2010.

(6) Công an, bộ đội, người làm công tác cơ yếu đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg, Quyết định 53/2010/QĐ-TTg, Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: "Có phải trả thêm khoản đóng bảo hiểm vào lương thử việc?" Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn: Bao nhiêu % cho đoàn viên và cán bộ công đoàn?

Quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn: Bao nhiêu % cho đoàn viên và cán bộ công đoàn?

Quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn: Bao nhiêu % cho đoàn viên và cán bộ công đoàn?

Số tiền đóng phí hằng tháng của đoàn viên sẽ được công đoàn công ty chi tiêu như thế nào? Quy chế chi tiêu nội bộ công đoàn ghi nhận mức chi cho đoàn viên và cán bộ công đoàn ra sao? Tất cả sẽ được trả lời trong bài viết dưới đây.