Doanh nghiệp có nên thành lập công đoàn hay không?

Công đoàn - tổ chức đại diện cho tập thể lao động trong doanh nghiệp, tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, công đoàn có cũng như không. Liệu suy nghĩ này có đúng? Và liệu doanh nghiệp có nên thành lập công đoàn?

Không bắt buộc phải thành lập công đoàn

Theo quy định tại Điều 7 Luật Công đoàn 2012, hệ thống tổ chức công đoàn hiện nay gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp. Trong đó, công đoàn cơ sở là cấp được tổ chức trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có sử dụng lao động.

Về việc thành lập công đoàn, Điều 6 Luật này nêu rõ, công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Chính vì vậy, việc doanh nghiệp có thành lập công đoàn hay không hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của tập thể lao động mà không phải là nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Do đó, không có bất cứ sự ràng buộc nào về mặt pháp lý đối với doanh nghiệp trong việc thành lập công đoàn.

Doanh nghiệp có nên thành lập công đoàn? (Ảnh minh họa)

Lợi ích của việc thành lập công đoàn

Về tài chính

Theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, dù không bắt buộc thành lập công đoàn nhưng hàng tháng, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thậm chí, theo Điều 37 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, nếu có hành vi chậm đóng, đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định hoặc đóng không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng thì doanh nghiệp còn bị phạt tiền từ 12% - 15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.

Trong khi đó, Điều 21 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ, nếu có công đoàn, doanh nghiệp sẽ được sử dụng kinh phí công đoàn cũng như đoàn phí công đoàn. Cụ thể:

Công đoàn cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và được sử dụng 100% tổng số thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.

Theo Hướng dẫn 1609/HD-TLĐ ngày 22/10/2019, năm 2020, công đoàn cơ sở được sử dụng 60% tổng số thu đoàn phí và 70% tổng số thu kinh phí công đoàn.

Với số tiền này, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn kinh phí để bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người lao động.

Về tính chất đại diện cho tập thể lao động

Thực tế, trong mỗi doanh nghiệp, việc có một tổ chức đại diện cho tập thể lao động thực sự là cần thiết, bởi không phải lúc nào cũng có thể lấy được ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công.

Theo Điều 10 Luật Công đoàn 2012, vai trò của công đoàn trong việc đại diện cho người lao động như sau:

- Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với doanh nghiệp;

- Đại diện cho tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể;

- Cùng doanh nghiệp xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động;

- Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động…

Dù với vai trò là tổ chức đại diện cho tập thể lao động, song, với quy định nêu trên, có thể thấy, công đoàn là tổ chức trung gian đứng giữa người lao động và doanh nghiệp, từ đó tạo trách nhiệm cho cả hai bên, góp phần điều hòa lợi ích, hạn chế được tối đa những mâu thuẫn, tranh chấp có thể xảy ra.

Do vậy, việc thành lập công đoàn tại doanh nghiệp là điều cần thiết, không chỉ bảo đảm quyền lợi của người lao động tốt hơn mà còn hạn chế những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp trong quan hệ lao động.

Và dưới đây là thủ tục thành lập công đoàn theo pháp luật hiện hành:

>> Thủ tục thành lập công đoàn: Toàn bộ thông tin cần biết

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục