Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Minh chứng là việc nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, thậm chí tuyên bố phá sản. Lúc này, tiền lương của người lao động giải quyết thế nào?
Công ty phá sản, người lao động bị chấm dứt hợp đồng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 108 Luật Phá sản 2014, một trong những nội dung không thể thiếu của quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản là việc chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.
Trong đó, Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 liệt kê các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm:
- Hết hạn hợp đồng lao động;
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
- Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu;
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án;
- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải;
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Và như vậy, khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản sẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. Do đó, người lao động cũng sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Có được trả lương khi công ty phá sản? (Ảnh minh họa)
Lương của người lao động giải quyết thế nào?
Khoản 4 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.
Cụ thể, theo Điều 54 của Luật Phá sản 2014, tài sản của doanh nghiệp phá sản sẽ được phân chia theo thứ tự sau:
1. Chi phí phá sản;
2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;
3. Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Với quy định này có thể thấy, dù doanh nghiệp bị phá sản nhưng tiền lương của người lao động vẫn được ưu tiên thanh toán thứ hai, sau khi doanh nghiệp bán thanh lý các tài sản hiện có.
>> Không trả đủ lương cho người lao động, doanh nghiệp bị phạt
Thùy Linh