Để trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp nào đó, hầu hết người lao động đều phải trải qua quá trình thử việc. Vậy doanh nghiệp có bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc?
Thử việc có phải quy định bắt buộc không?
Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định về thử việc như sau:
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Theo đó, có thể thấy, việc làm thử sẽ do các bên thỏa thuận và được ghi nhận trong trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thử việc.
Tuy nhiên, nếu người sử dụng lao động cho rằng không cần thiết phải thử việc thì các bên có thể tiến hành ký hợp đồng lao động luôn mà không phải trải qua quá trình thử việc.
Có bắt buộc ký hợp đồng thử việc không? (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp có bắt buộc ký hợp đồng thử việc?
Như đã phân tích, thử việc không phải là quy định bắt buộc nên người sử dụng và người lao động hoàn toàn có quyền lựa chọn thử việc hoặc không thử việc.
Mặt khác, theo khoản 1 Điều 24 BLLĐ 2019 đã dẫn chiếu, nếu có thỏa thuận về làm thử, các bên có thể ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng thử việc.
Theo đó, ngay cả khi có thỏa thuận về thử việc thì các bên cũng không bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc.
Chính vì vậy, doanh nghiệp không bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc với người lao động. Thay vào đó, các bên có thể lựa chọn ký hợp đồng lao động luôn hoặc ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động.
Đáng chú ý, so với người ký hợp đồng thử việc thì người lao động được ký hợp đồng lao động có thể sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn như:
- Về tiền lương: Người lao động được ký hợp đồng lao động mà không cần thử việc được hưởng đủ 100% lương của công việc này (thử việc được hưởng ít nhất 85%).
- Về chế độ nghỉ: Người lao động ký hợp đồng lao động mà không phải thử việc làm chưa đủ năm được hưởng số ngày phép năm tỷ lệ với số tháng làm việc (thử việc chỉ tính phép năm sau khi hết thời gian thử việc mà vẫn tiếp tục làm cho người sử dụng lao động).
- Về bảo hiểm xã hội: Người lao động được ký hợp đồng lao động để làm việc luôn hoặc thử việc đều được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp duy nhất không được phép thử việc
Trường hợp này được ghi nhận cụ thể tại khoản 3 Điều 24 BLLĐ năm 2019 như sau:
3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Như vậy, nếu làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng thì người lao động sẽ không phải trải qua quá trình thử việc. Đồng thời người sử dụng lao động cũng không được phép yêu cầu thử việc trong trường hợp này.
Trước đây, quy định này được áp dụng dành cho hợp đồng lao động theo mùa vụ. Do đó, nếu yêu cầu thử việc với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng, người sử dụng lao động có thể bị áp dụng mức phạt như đối với hợp đồng mùa vụ được quy định Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 9. Vi phạm quy định về thử việc
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ;
Như vậy, nếu cố tình yêu cầu thử việc với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng, người sử dụng lao động có thể bị phạt lên đến 01 triệu đồng.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về việc có bắt buộc ký hợp đồng thử việc không. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Hợp đồng thử việc: Những quy định cần biết trước khi ký