Sáng nay (20/11), sau rất nhiều thảo luận và đề xuất, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với điểm mới nổi bật là tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, hơn 90% đại biểu tán thành với phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam; 04 tháng với lao động nữ.
Hiện nay, theo Bộ luật Lao động 2012, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từng năm như trên được cho là hợp lý, tránh “gây sốc” cho người lao động; đồng thời tận dụng được nguồn lực cho xã hội. Cũng theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết bởi so với mặt bằng của nhiều nước trên thế giới, độ tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam vẫn còn thấp.
Ngoài việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động vừa được thông qua còn có nhiều nội dung mới, đáng chú ý khác tác động đến đông đảo người lao động trên cả nước. LuatVietnam sẽ cập nhật sớm nhất những điểm mới này, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi tại website LuatVietnam.