Một trong những việc mà bộ phận nhân sự phải làm dịp tháng 6 và tháng 12 hằng năm đó là báo cáo tình hình thay đổi lao động định kỳ. Vậy nếu chậm nộp báo cáo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp có bị phạt không?
1. Hạn cuối báo cáo tình hình thay đổi lao động định kỳ là khi nào?
Khoản 2 Điều 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã quy định rõ:
2. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Theo quy định này, mỗi năm, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ 06 tháng về tình hình thay đổi lao động 02 lần rồi gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hạn cuối báo cáo tình hình thay đổi lao động trong 06 tháng đầu năm là trước ngày 05/6. Hạn cuối báo báo cáo tình hình thay đổi lao động cuối năm là trước ngày 05/12 của năm đó.
Doanh nghiệp có thể báo cáo trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc gửi báo cáo giấy đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần phải thông báo về tình hình thay đổi lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Chậm nộp báo cáo thay đổi lao động, doanh nghiệp bị phạt thế nào?
Việc báo cáo tình hình sử dụng lao động là một thủ tục bắt buộc mà mọi doanh nghiệp đều phải thực hiện định kỳ 02 lần/năm trong thời hạn quy định. Nếu không thực hiện đúng quy định về báo cáo tình hình thay đổi lao động, phía doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.
Cụ thể, điểm c khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
c) Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định;
Kết hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022, người sử dụng lao động là cá nhân không thực hiện cáo cáo tình hình thay đổi về lao động theo đúng thời hạn quy định sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng.
Trong đó, người sử dụng lao động là tổ chức chậm nộp báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ bị phạt gấp đôi với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
3. Mẫu báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ
https://image.luatvietnam.vn/uploaded/Others/2021/02/22/mau-so-01-PLI_2202101310.docHướng dẫn cách ghi báo cáo giấy:
(1) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
(2) Vị trí việc làm phân loại theo:
- Nhà quản lý bao gồm những nhà lãnh đạo, quản lý làm việc trong các ngành, các cấp và trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có giữ các chức vụ, có quyền quản lý, chỉ huy, điều hành từ trung ương tới cấp xã.
- Chuyên môn kỹ thuật bậc cao bao gồm các nghề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm ở trình độ đại học trở lên.
- Chuyên môn kỹ thuật bậc trung bao gồm các nghề đòi hỏi kiến thức và kinh nghiêm ở trình độ cao đẳng, trung cấp.
Trên đây là thông tin về mức phạt khi chậm nộp báo cáo tình hình thay đổi lao động. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ chi tiết.